‘Giải mã’ sự cố vé tàu tết

Chỉ sau một ngày ngành đường sắt chính thức bán vé tàu tết 2016 cho cá nhân (từ ngày 1-10), đã có nhiều khách hàng gặp sự cố trong quá trình mua vé điện tử.

Đủ kiểu gặp khó

Anh Nguyễn Mạnh Nam (ngụ quận 9, TP.HCM) phàn nàn: “Tôi nhiều lần gọi đến đường dây nóng 0838.436.528 và 1900.6469 nhưng đều không liên lạc được. Các đầu số trên luôn trong tình trạng bận hoặc đổ chuông vài phút nhưng không thấy ai nhấc máy, vậy mà vẫn thu cước cuộc gọi”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trang (ngụ TP.HCM) cho biết: “Tôi đặt mua vé tàu tết từ Sài Gòn đi Đà Nẵng lúc 8 giờ 36 ngày 1-10 trên website dsvn.vn. Tôi đã hoàn tất các thủ tục điền thông tin cá nhân và chọn hình thức thanh toán bằng thẻ Visa. Tuy nhiên, sáng 2-10, tôi đến ngân hàng thanh toán thì được nhân viên thông báo là mã vé không tồn tại”. Nhiều khách hàng chọn hình thức thanh toán bằng thẻ Visa cũng gặp tình trạng tương tự.

Còn chị Lê Phương Thảo (ngụ quận 1) bực dọc: “Tôi nhiều lần truy cập vào website dsvn.vn nhưng không được. Đến khi vào được trang web, tôi chỉ có thể click chuột đến sơ đồ các toa tàu để xem thông tin ghế còn trống chứ không thể tiếp tục thao tác đặt vé”.

Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng than phiền về việc hệ thống chậm gửi email thông báo mã code. Có người phải đợi vài giờ liền, thậm chí nửa ngày để chờ email của hệ thống, sau đó mới tiếp tục thao tác đặt chỗ mua vé. Anh Nguyễn Hoàng Trung (quận 12) cho hay: “Tôi truy cập vào dsvn.vn để mua vé nhưng thanh toán không thành công. Tuy nhiên, không hiểu sao sau đó hệ thống lại thông báo là tôi đã đặt vé nên tôi không thể đặt lại vé từ đầu. Tôi gọi điện thoại đến đường dây nóng 0838.436.528 để nhờ nhân viên hủy vé song đầu số này luôn bận”.

 
Nhân viên Ga Sài Gòn, Tập đoàn FPT đang hỗ trợ, tư vấn cho những hành khách gặp sự cố khi mua vé. Ảnh: HỒNG TRÂM

Đều do khách quan!

Ngày 2-10, Pháp Luật TP.HCM đem tất cả thắc mắc của bạn đọc phản ánh với ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn (Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn). Trước tiên, ông Văn lưu ý: “Khách hàng gặp phải sự cố khi mua vé cần thông báo ít nhất một trong ba yếu tố sau: Mã đặt chỗ, mã vé, mã thanh toán kèm theo thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ email… để bộ phận hỗ trợ kỹ thuật giải quyết”.

Về việc đường dây nóng luôn bận, ông Văn cho hay: “Ga Sài Gòn đã bố trí 10 điện thoại viên túc trực từ 7 giờ đến 21 giờ 30 mỗi ngày. Họ đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, trong ngày đầu mở bán vé, lượng khách hàng gọi điện về tổng đài 0838.436.528 và 1900.6469 quá nhiều. Chúng tôi dù đã cố gắng hết sức nhưng không thể đáp ứng hết, vì vậy mong khách hàng thông cảm”.

Còn về trục trặc khi dùng thẻ Visa thanh toán khi mua vé tàu, ông Đinh Văn Sang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn, trả lời: “Đường sắt Việt Nam liên kết với 24 ngân hàng để hành khách sử dụng hình thức thanh toán bằng thẻ Visa. Tuy nhiên, không phải tất cả ngân hàng đều tích hợp với website dsvn.vn. Điều này đã dẫn đến việc một số khách hàng thanh toán cho ngân hàng (thông qua hình thức trực tiếp với thời hạn một giờ) nhưng ngân hàng lại không báo về cho hệ thống. Do đó khi quá thời hạn trên, hệ thống sẽ tự động “đẩy” mã số của hành khách để bắt đầu lại phiên giao dịch mới. Và với các trường hợp trên, sau 15 ngày chúng tôi sẽ hoàn tiền lại cho khách hàng”.

Riêng những thắc mắc liên quan đến website dsvn.vn, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp Dịch vụ Vận tải Hành khách (Tập đoàn FPT - đơn vị quản lý website) nói: “Trong thời gian đầu mở bán vé, số lượng vé xuất ra lớn và tăng đột biến nhưng đã không xảy ra tắc nghẽn đường truyền. Hành khách không truy cập được vào website dsvn.vn có thể là do tín hiệu Internet không tốt”.

Ông Hải cũng khẳng định không có việc hệ thống chậm gửi email phản hồi cho hành khách. “Khi nhận thông tin của khách hàng, hệ thống sẽ lập tức gửi email thông báo mã code. Việc chậm trễ ở đây có thể xuất phát từ đường truyền hoặc tốc độ trao đổi dữ liệu với các bưu cục kết nối email. Tóm lại, những sự cố của khách hàng đều xuất phát từ nguyên nhân khách quan và mang tính chất cục bộ chứ không phải diện rộng” - ông Hải nói.

Ông Đinh Văn Sang nhấn mạnh: “Hành khách khi gặp sự cố trong quá trình trả tiền, mất chỗ, sai thông tin cá nhân… nên đến trực tiếp tại Ga Sài Gòn để được bộ phận hỗ trợ khách hàng của Ga Sài Gòn, Tập đoàn FPT, VNPT giúp đỡ. Bên cạnh đó, hành khách sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán cần chú ý đăng ký dịch vụ Internet banking”.

Coi chừng mất tiền cho “cò” vé

Sáng 2-10, quanh khu vực Ga Sài Gòn vẫn có nhiều “cò” vé mời chào hành khách một cách công khai. Vừa tới cổng ga, chúng tôi được một “cò” tên Huy đon đả hỏi han. Khi biết chúng tôi có ý định mua vé đi Quảng Ngãi, người này không ngại giới thiệu mình “vé nào cũng có” nhưng khách phải đặt cọc trước vài trăm ngàn đồng.

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn, cảnh báo hành khách cần thận trọng, không nghe lời “cò” vé. Đa số “cò” vé nhận tiền cọc rồi đặt mua vé điện tử cho khách hàng theo kiểu “được chăng hay chớ”. Được họ sẽ thu tiền, không thì họ chuồn luôn. “Với hình thức bán vé điện tử như hiện nay, hành khách phải có thẻ ghi chính xác thông tin cá nhân trùng khớp với giấy tờ tùy thân của mình thì mới được lên tàu. Do đó hành khách tuyệt đối không tin lời “cò” vé” - ông Văn nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy