Giảm ngân sách để lại: TP.HCM phải thắt lưng buộc bụng

“Dự kiến tổng số vốn thực hiện các dự án thuộc bảy chương trình đột phá giai đoạn 2016-2020 lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng nhưng khả năng cân đối từ nguồn ngân sách TP chỉ được khoảng 60%” - sáng 26-10, Sở KH&ĐT báo cáo với UBND TP.HCM tại cuộc họp về nguồn vốn đầu tư cho bảy chương trình đột phá của TP. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tỉ lệ ngân sách TP được giữ lại có thể bị cắt giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017-2020.

Xã hội hóa nhiều hơn nữa

Theo Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, TP đã lên danh mục đầu tư, dự kiến nguồn vốn để thực hiện các dự án trong bảy chương trình đột phá. Nhưng trước tình hình khó khăn về ngân sách, TP sẽ phải rà soát, tính toán, cân nhắc lại các dự án theo hướng lựa chọn kỹ hình thức đầu tư. Dự án nào Nhà nước làm được thì làm, các dự án còn lại sẽ chuyển cho tư nhân theo hình thức xã hội hóa.

Ông Hoan cho biết TP đã nhìn thấy được những khó khăn nếu tỉ lệ điều tiết ngân sách bị cắt giảm, điều kiện vay ODA siết chặt hơn (thời gian trả nợ ngắn hơn, lãi suất cao hơn…). “Quốc hội đang họp bàn về ngân sách. TP.HCM cũng họp để tìm giải pháp. Chúng tôi rất mong trung ương thấy được những cái khó của TP để hỗ trợ cho TP có điều kiện phát triển. Điều này cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước” - ông Hoan nói.

Về giải pháp tháo gỡ, ông Hoan nêu quan điểm phải hạn chế tối đa chi ngân sách và tìm mọi cách để kêu gọi đầu tư xã hội. Việc này TP đã làm rồi nhưng nay phải làm với quyết tâm cao hơn nữa.

“Nên lựa chọn một vài cơ sở y tế, giáo dục để thí điểm xã hội hóa về đầu tư. Ví dụ BV quận 9 đang không phát huy hết hiệu quả, trong khi gần đó còn có BV Thủ Đức, BV quận 2. Nhiều trường trung cấp nghề của TP cũng rất èo uột. Chỗ nào cũng xây bệnh viện, trường học mà không hiệu quả, sao không mạnh dạn xã hội hóa?” - ông Hoan đặt vấn đề.

Tình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra vào giờ tan tầm ở vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Không mua mà thuê xe công

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đề xuất giải pháp tiết kiệm ngân sách bằng cách không mua xe công mà đi thuê. “Sắp tới TP nên tính toán đến việc sẽ không đầu tư xe công mà đi thuê. Như vậy ta không phải tốn chi phí đầu tư ban đầu, tiền bảo trì mà chỉ phải trả tiền thuê thôi, sẽ tiết kiệm được nhiều cho ngân sách” - ông Tuyến nói.

Không chỉ đề xuất thuê xe công, ông Tuyến còn nêu ý tưởng đi thuê các thiết bị, máy móc dùng cho cơ quan nhà nước chứ không nhất thiết cái gì cũng phải mua bằng tiền ngân sách. “Thiết bị rất nhanh lạc hậu, rồi máy hư phải tốn tiền sửa chữa, bảo trì, vệ sinh. Với thủ tục mua sắm đầu tư công như hiện nay thì tới khi mua được, cái máy đã lỗi thời. Ví dụ đầu tư công mua iPhone 7 thì tới khi xong thủ tục, chắc người ta đã ra tới iPhone 9 rồi” - ông Tuyến nói.

Từ phân tích đó, ông Tuyến nhận định rằng đi mua máy móc chưa chắc đã lợi bằng đi thuê. “Phải tính toán lại đầu tư công trong từng việc nhỏ nhất. Điều này đòi hỏi phải có quyết tâm của cả hệ thống, ý thức của từng cán bộ, đảng viên” - ông Tuyến đề nghị.

Đề nghị chỉ giảm khoảng 7.200 tỉ đồng

Tại cuộc họp, ông Tuyến yêu cầu Sở KH&ĐT cần rà soát, báo cáo cụ thể nguồn vốn để thực hiện bảy chương trình đột phá theo hướng điều chỉnh, bổ sung, thay đổi hình thức đầu tư có sự tính toán hợp lý việc sử dụng nguồn vốn ngân sách theo khả năng được điều tiết hằng năm. Làm sao để một đồng vốn ngân sách bỏ ra huy động được 15 đồng vốn xã hội (lâu nay tỉ lệ này là 1/14).

Ông Tuyến cho biết TP.HCM đã kiến nghị tỉ lệ ngân sách TP được giữ lại giảm từ 23% xuống còn 21% (tức chỉ giảm 2% so với con số 5% mà Chính phủ trình Quốc hội). Năm 2017, TP được trung ương giao thu ngân sách khoảng 360.000 tỉ đồng thì tính ra phần bị cắt giảm 2% (7.200 tỉ đồng) cũng đã là con số lớn.

Trả lời báo chí bên hành lang cuộc họp, ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định đầu tư hạ tầng (giao thông, chống ngập, bệnh viện, trường học…) là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu tỉ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại giảm trong những năm tới.

Đà Nẵng kiến nghị giảm chỉ tiêu thu ngân sách

“UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình kiến nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Bộ Tài chính xem xét lại dự toán thu ngân sách 2017 và tỉ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được giữ lại” - ngày 26-10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết.

Ông Thơ nhận định việc trung ương dự kiến giao cho Đà Nẵng thu ngân sách nhà nước năm 2017 là 18.045 tỉ đồng quá cao so với khả năng của TP. Điều này không phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dẫn đến việc tạo áp lực tăng thu thuế đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các hộ kinh doanh.

Theo ông Thơ, nguồn thu tiền sử dụng đất của Đà Nẵng những năm trước là rất lớn, 3.200-4.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn thu này trong thời gian tới sẽ giảm mạnh do quỹ đất ngày càng thu hẹp trong khi nhu cầu đầu tư của TP càng ngày càng tăng. Cùng đó, việc giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách địa phương được hưởng năm 2017-2020 (từ 85% xuống còn 68%) sẽ làm giảm hẳn nguồn lực của Đà Nẵng, không đảm bảo để TP phát triển.

Từ những phân tích trên, UBND TP Đà Nẵng đề nghị trung ương xem xét điều chỉnh giảm dự toán thu, đồng thời giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách địa phương được hưởng của Đà Nẵng xuống còn khoảng 80% (chỉ giảm 5% so với giai đoạn 2011-2016).

 LÊ PHI

7 chương trình đột phá của TP.HCM giai đoạn 2015-2020:

1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

2. Cải cách hành chính.

3. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.

4. Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.

5. Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

6. Giảm ô nhiễm môi trường.

7. Chỉnh trang và phát triển đô thị.

Cần một tỉ lệ phân bổ ngân sách hợp lý cho TP.HCM

Về nguyên tắc, những đô thị lớn, những địa phương từng được ưu tiên phát triển hạ tầng trong giai đoạn trước, có thu ngân sách lớn cần chia sẻ ngân sách với trung ương để phân bổ cho các địa phương khó khăn hơn. Tuy nhiên, trung ương cũng cần dành một tỉ lệ ngân sách giữ lại hợp lý để tạo điều kiện cho các TP lớn tiếp tục phát triển.

Lâu nay nguồn thu ngân sách nhà nước của TP.HCM rất lớn, nếu giảm đi một lúc 5% thì con số tuyệt đối rất lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách của TP.HCM. Có lẽ trung ương nên cân nhắc để có một tỉ lệ phù hợp cho TP.HCM tiếp tục phát triển.

Đại biểu PHẠM TẤT THẮNG (Vĩnh Long)

TRÀ PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy