Giúp phạm nhân trốn trại

Năm 1993, Nguyễn Tấn Duy, bảo vệ trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), được một phạm nhân nhờ giúp trốn trại. Lúc này Duy sắp hết thời hạn nghĩa vụ quân sự, chuẩn bị ra quân nên đồng ý.

Liên tục phạm tội

Xuất ngũ được khoảng nửa tháng, Duy quay lại chờ trước cổng trại giam rồi tìm cách liên lạc với phạm nhân kia. Lúc này, phạm nhân đang đi lao động, vội xin vào căn tin mua mì gói. Lợi dụng sơ hở của người quản lý, phạm nhân đi thẳng ra cửa, leo lên xe của Duy vù đi.

Được ít lâu, cả hai trốn sang Campuchia. Giữa năm 1994, Duy quay về đơn vị cũ để… trộm súng đem qua Campuchia bán. Nắm rõ đường đi nước bước, khi một chiến sĩ hết ca trực về nghỉ để súng sát vách tường, Duy đã lẻn vào cuỗm mất.

Sau đó, Duy nghĩ lại, lo sợ bị phát hiện nên đến bộ đội biên phòng tỉnh An Giang nói dối rằng biết nơi để súng của một người thuê Duy mang qua biên giới. Bộ đội biên phòng thu hồi khẩu súng này, còn Duy tiếp tục sang Campuchia sinh sống.

Giúp phạm nhân trốn trại ảnh 1

Ngày 21-8-2008, Duy bị bắt trong một đường dây mua bán ma túy xuyên Việt. Tháng 9-2009, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phạt Duy ba năm tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ (vai trò đồng phạm), hai năm tù về tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng.

Thời hiệu còn hay hết?

Duy kháng cáo xin giảm án. Ở phiên phúc thẩm mới đây của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, Duy lại kêu oan rằng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả hai tội của mình đã hết.

Theo bị cáo và luật sư bào chữa, từ lúc phạm tội đến khi bị bắt, bị cáo không hề bị truy nã và vẫn từ Campuchia đi về Việt Nam bằng passport. Duy cũng không trốn tránh ai cả. Đặc biệt, Duy đã nhập tịch, gia nhập quân đội Campuchia, thường xuyên về nước hỗ trợ công an ngăn chặn các đường dây phạm tội xuyên quốc gia. Mặt khác, thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Duy là không quá 10 năm với cả hai tội (tội phạm nghiêm trọng). Ở đây, thời gian phạm tội của bị cáo tính đến khi bị bắt đã hơn 15 năm.

Tòa phúc thẩm nhận định nếu chỉ tính riêng về hai tội hiện tòa đang xử thì rõ ràng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của Duy đã hết. Tuy nhiên, thực tế có một điểm gây mắc mứu là hiện Duy đang bị truy tố trong một đường dây mua bán ma túy bị triệt phá năm 2008. Khoản 3 Điều 23 BLHS quy định tội cũ nếu vẫn còn trong hạn truy cứu, một người lại phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù thì thời hiệu đối với tội cũ sẽ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Như vậy, thời điểm Duy vướng vào đường dây mua bán ma túy là lúc nào? Có nằm trong khoảng thời hiệu truy cứu hai tội trốn khỏi nơi giam giữ, chiếm đoạt vũ khí quân dụng mà tòa đang xử hay không? Phía bị cáo không nhớ cụ thể, hồ sơ vụ án cũng không thể hiện rõ nên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, tòa phúc thẩm đã hoãn xử, đề nghị VKS làm rõ.

Xác định cho được ngày phạm tội mới

vụ án này, bị cáo bị truy cứu hai tội đều thuộc loại tội phạm nghiêm trọng. Tính từ ngày thực hiện tội phạm, người này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã quá thời hạn 10 năm với điều kiện họ không cố tình trốn tránh và không có lệnh truy nã. Nếu trong 10 năm này, bị cáo phạm một tội mới thì thời hiệu vụ án cũ coi như bị… triệt tiêu, sẽ bị tính lại từ ngày phạm tội mới.

Điểm đặc biệt quan trọng ở đây là cơ quan tố tụng phải xác định cho được ngày bị cáo phạm tội mới để có căn cứ tính thời hiệu của tội cũ. Nếu cơ quan tố tụng không xác định được thời điểm phạm tội mới thì phải vận dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, coi như bị cáo phạm tội mới khi đã hết thời hiệu truy cứu tội cũ. Lúc đó, bị cáo chỉ bị xử về tội mới mà thôi.

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM)

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm