Hà Nội chỉ thay kết cấu chứ không hạ đê sông Hồng

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Quang Hoài đã nhắc đến việc nhiều người dân, chuyên gia, các cán bộ lão thành trong lĩnh vực thuỷ lợi đều rất bức xúc trước thông tin mà một số cơ quan báo chí đưa tin rằng Hà Nội đề xuất hạ cốt đê đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương thời gian qua.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT

Cho rằng thông tin này là chưa chính xác, ông Hoài khẳng định: “Hà Nội chỉ đề xuất thay đổi kết cấu đê chứ không phải hạ cốt đê”. "Một số báo đưa tin Hà Nội đề xuất hạ cốt đê khiến dư luận phản ứng bởi từ vị trí đê đó vào trung tâm rất gần, sẽ tiềm ẩn nguy cơ khi hồ Hoà Bình xả lũ. Do đó, cần phản ánh chính xác thông tin, nếu không sẽ gây bức xúc dư luận", ông Hoài nói.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay hiện Hà Nội đang xin ý kiến của Bộ NN&PTNT về việc thay đổi kết cấu đê sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương (tức đoạn đê Nghi Tàm dài 1,1 km thuộc địa bàn quận Tây Hồ).

“Chúng tôi không kiến nghị với Bộ NN&PTNT việc hạ cốt đê sông Hồng, mà chúng tôi kiến nghị thay đoạn đê này từ đê đất chuyển thành đê bê tông. Thực tế (đoạn đê) từ chỗ cửa từ Phúc Tân cho đến An Dương đã làm rồi. Bây giờ nếu làm thế này thì kiến trúc cầu (vượt qua nút giao) An Dương sẽ đẹp và sẽ cân đối hơn”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Ông Chung cũng cho biết, việc chuyển đê đất sang đê bê tông sẽ mở rộng đoạn đê Nghi Tàm trên thành 2 làn đường, mỗi bên rộng thêm 3,7m. “Chúng tôi đã xin ý kiến cư dân hai bên đoạn đê từ khách sạn Thắng Lợi cho đến An Dương và nhận được sự đồng tình cao. Nếu làm được đoạn đường này thì việc giao thông sẽ thuận lợi, lưu thông tốt hơn, tiện lợi cho người dân”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Liên quan đến khả năng chống lũ khi thay đổi kết cấu đoạn đê này bằng đê bê tông, Chủ tịch Hà Nội giải thích hiện nay ở lưu vực sông Đà đã có thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, còn sông Lô có thủy điện Na Hang và trên sông Hồng có thủy điện của phía Trung Quốc. Đặc biệt hai bên đoạn đê này người dân đã xây nhà kín vì thế kết cấu đê bê tông sau khi thay đổi sẽ không chịu áp lực trực tiếp của mực nước và sóng nước khi nước nâng cao.

“Với công nghệ hiện nay chúng ta làm đê bê tông thì hoàn toàn có thể chịu lực được. Chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT sớm có ý kiến để chúng tôi có thể triển khai dự án này”, ông Chung đề nghị.

Đoạn đê Nghi Tàm được Hà Nội đề xuất hạ độ cao, thay bằng tường bê tông chắn sóng, để mở rộng đường giao thông.

Trước đó, vào tháng 10-2016, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về đề xuất hạ độ cao đoạn đê Nghi Tàm dài 1,1 km (từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương) xuống cao độ 12,4 m. Thay vào đó, Hà Nội sẽ làm một bức tường đê bê tông cốt thép, hình chữ L có cao độ 15,4 m để chống lũ.

Theo đề xuất này, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu. Đồng thời, phương án này sẽ tạo điều kiện mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt nút giao đường Thanh Niên – cửa khẩu An Dương, tạo được cảnh quan đô thị cho tuyến phố.

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT Trần Quang Hoài cho hay từ 2011-2016, ở Hà Nội có tổng số 1.649 vụ vi phạm hành lang đê điều. Đến nay, thành phố mới giải quyết dứt điểm được 162 vụ. Bên cạnh đó, tất cả vi phạm này, lực lượng chuyên trách của Sở NN&PTNT đã lập biên bản, gửi đến lãnh đạo quận, huyện nhưng chưa được quan tâm đúng mức dù thành phố đã có chương trình giải quyết dứt điểm các điểm vi phạm.

Lấy dẫn chứng vi phạm ở hạ du cầu Thăng Long khi lấn dòng sông khoảng 200m, tiềm ẩn nguy cơ có thể gây vỡ đê đã được các vị đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTN, ông Hoài nói: "Các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm những sai phạm này". 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy