Hà Nội: Trước tiên đổi giờ học của sinh viên

“Trước tiên sẽ báo cáo TP thay đổi giờ học của sinh viên (SV) và giờ làm việc của các trung tâm thương mại vì đây là lực lượng ít chịu ảnh hưởng nhất” - ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết tại hội nghị lấy ý kiến về việc điều chỉnh giờ học, giờ làm nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Hà Nội, sáng 25-10.

Cần giãn cách khoảng 60 phút

Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT (đơn vị trực tiếp nghiên cứu và đề xuất thay đổi khung giờ làm, giờ học), khẳng định: Dự thảo là kết quả nghiên cứu dựa trên cơ sở nhịp sinh học cùng số liệu thống kê từ các bộ, ngành liên quan. Với giờ học của SV, ngoài khung giờ như đã đề xuất, còn có phương án 2 để lựa chọn. Cụ thể, các trường ĐH khu vực quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân bắt đầu ca sáng lúc 7 giờ, ca chiều lúc 13 giờ. Khu vực quận Đống Đa và quận Hai Bà Trưng ca sáng bắt đầu lúc 8 giờ, chiều lúc 14 giờ. “Bố trí lệch ca như vậy sẽ đảm bảo giải tỏa đường, giảm thiểu ùn tắc” - ông Bằng cho biết.

Hà Nội: Trước tiên đổi giờ học của sinh viên ảnh 1

Nếu giờ làm, giờ học không được điều chỉnh hợp lý sẽ có thêm nhiều gia đình phải nhờ tới ông bà đi đón cháu. Nhưng không phải gia đình nào cũng có ông bà kề cận để nhờ cậy. Ảnh minh họa: VIẾT THỊNH

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng mức độ giãn cách giữa các khung thời gian của dự thảo (30 phút) chưa hợp lý. Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT TP Hà Nội, nêu ý kiến: “Các khung giờ nên lệch nhau 1 tiếng, vì nếu lệch nhau nửa tiếng thì chỉ cần đợi vài lần đèn đỏ là tất cả lại gặp nhau ngoài đường”.

Đề cập đến việc tạo thuận lợi cho công chức đưa đón con, ông Trần Quốc Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), đề nghị: “Giờ làm việc chung của công chức trung ương và Hà Nội bắt đầu lúc 9 giờ, tan tầm lúc 18 giờ. Bậc mầm non và tiểu học học sớm hơn 30 phút để phụ huynh có thể đưa đón con đi học rồi đi làm”. Còn đối với nhóm SV, ông Toản đề xuất không nên phân thành nhiều giờ mà gộp chung học lúc 6 giờ 30 và tan tầm lúc 17 giờ, bậc trung học bắt đầu sau SV khoảng 1 tiếng, từ 7 giờ 30 đến 16 giờ.

Chưa phải thuốc đặc trị

Dù góp ý rất sôi nổi cho dự thảo nhưng các đại biểu vẫn thống nhất quan điểm: “Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm chỉ là một trong những giải pháp chứ chưa phải là bài thuốc đặc trị cho tình trạng ùn tắc giao thông”. Theo ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), xã hội cần sẻ chia gánh nặng với các đơn vị điều hành giao thông. Ví dụ, các trung tâm thương mại, khách sạn có lưu lượng người ra vào lớn cần tổ chức lực lượng hướng dẫn giao thông trong khu vực chứ không nên dựa hẳn vào cơ quan chức năng.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Quốc Hùng phát biểu: “Cơ bản các sở, ban ngành cùng thống nhất thay đổi giờ làm, giờ học là cần thiết nhưng cần nghiên cứu kỹ hơn. Trước mắt sẽ đề nghị TP thay đổi giờ làm, giờ học của nhóm đối tượng SV và trung tâm thương mại. Đây là lực lượng tự lập, không chịu ảnh hưởng nhiều từ việc thay đổi giờ. Thời gian tới sẽ nghiên cứu thêm, chỗ nào thống nhất thì báo cáo TP để áp dụng trước, chỗ nào còn ý kiến phản biện thì tiếp tục nghiên cứu”.

Hiện TP Hà Nội có khoảng 350.000 HS mầm non, 500.000 HS tiểu học và 320.000 HS trung học. Có gần 479.000 SV ĐH và CĐ học tại các cơ sở đào tạo trong nội thành. Ngoài ra, Hà Nội còn có khoảng 355.000 cán bộ, công chức của trung ương và của TP.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm