Hiệp định CPTPP: 469 đại biểu đồng ý phê chuẩn

Chiều 12-11, Quốc hội (QH) đã bỏ phiếu biểu quyết thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Kết quả có 469/469 đại biểu (ĐB) có mặt tán thành việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

100% ĐB có mặt đã tán thành, phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Ảnh: C.LUẬN

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu đã thay mặt Ủy ban Thường vụ QH trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về hiệp định trên cùng các văn kiện liên quan.

Theo ông Giàu, đa số các vị ĐBQH đều tán thành về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

“Đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác” - ông Giàu nói.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng việc trình phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại thời điểm này là chưa phù hợp; cần đánh giá cụ thể, lượng hóa các tác động, rủi ro đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể; cũng như lấy ý kiến của các nhóm đối tượng chịu sự tác động; cần trưng cầu ý dân về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Theo Ủy ban Thường vụ QH, CPTPP kế thừa các nội dung Hiệp định TPP trước đây đã được chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, đã qua tám năm đàm phán. Đến thời điểm hiện nay, đã có sáu nước phê chuẩn thông qua và hiệp định đủ điều kiện có hiệu lực sau 60 ngày, kể từ ngày 30-10-2018.

“Việc QH phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV là thời điểm phù hợp, thể hiện cam kết chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực và thế giới" - ông Giàu trình bày.

Đặc biệt, có ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về vấn đề cho phép thành lập tổ chức của người lao động, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời có biện pháp ứng phó thách thức đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong tình hình mới khi có sự xuất hiện các tổ chức của người lao động khác.

Theo ông Giàu, ý kiến của các vị ĐB là xác đáng. Sau khi trình bày các vấn đề chủ yếu về các tiêu chuẩn lao động, cam kết của các quốc gia thành viên CPTPP về tôn trọng, thúc đẩy và thực thi, trong đó có việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, ông Giàu nói về các quy định về các tổ chức của người lao động.

Theo đó, các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ, mục đích và điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể tạo ra một số thách thức đồng thời cũng là cơ hội, động lực cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn trong điều kiện mới của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng” - ông Giàu trình bày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm