Vụ bổ nhiệm “thần tốc” bà Quỳnh Anh:

Hiểu thế nào là 'nâng đỡ không trong sáng'?

Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các sai phạm liên quan đến vụ thăng tiến thần tốc của "hot girl" xứ Thanh có đưa ra khái niệm mới: "nâng đỡ không trong sáng", khiến mấy hôm nay dư luận không khỏi luận bàn.

"Nâng đỡ không trong sáng" là thế nào? Người thì bảo "là trong bóng tối", người khác lại bảo "là tranh tối tranh sáng", "là nhá nhem"... Có người nêu nội dung: Vậy "nâng đỡ trong sáng" thì sao, có được không, có sai không?

"Nâng đỡ" là khái niệm chỉ sự tác động ngoại lực vào một vật để dịch chuyển vật này lên vị trí cao hơn, và vẫn phải tiếp tục tác động ngoại lực để vật này không rơi xuống, nghiêng, đổ.

Theo nghĩa trên, trong công tác cán bộ nếu phải "nâng đỡ" mới có được cán bộ thì chúng ta sẽ tạo ra những cán bộ "dặt dẹo", không có năng lực để thực thi công vụ; mà phải giả dối, phải "chém gió", phải kiễng lên cho đúng tầm vị trí được nâng đỡ. Hậu quả là những "cán bộ cà kiễng" này sẽ làm cho bộ máy quản lý nhà nước kém hiệu quả, mất uy tín.

Một hậu quả khác, cũng tất yếu theo quy luật nhân - quả, nhưng chỉ người "trong cuộc" mới thấm thía. Đó là "đứng kiễng chân thì không đứng được lâu".

"Đứng kiễng chân", như các cụ dạy, là khổ lắm, chẳng sướng đâu. Lúc nào cũng phải tính toán dấu dốt, diễn kịch, làm trò và lo lắng. Lo lắng đủ kiểu. Mà cái lo nhất là lo mất đi sự "nâng đỡ". Bởi để có thể "nâng đỡ" ai đó thì người "nâng đỡ" phải có quyền, có tiền.

Nhưng quyền lực đến lúc nào đấy cũng mất đi, yếu đi, thường là tồn tại theo nhiệm kỳ; tiền cũng vậy, và không phải mọi trường hợp đồng tiền đều phát huy được sức mạnh vật chất của nó. 

Vậy nên, khi sự "nâng đỡ" mất đi, các "cán bộ kiễng chân" thực sự lo sợ, lo không tìm được thế lực mới để "tầm gửi" thì "ngã ngựa" là kết cục. Vừa rồi hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, cách tuột các chức vụ, thậm chí dính vòng lao lý, đã chứng minh điều đó. 

Tóm lại, "nâng đỡ" cho ai đó có chức, có quyền là hành vi sai trái đối với nhân dân và cả với người được "nâng đỡ". "Nâng đỡ" dù với tình cảm vô tư, không vụ lợi, thậm chí như vì con cái mà "hy sinh đời bố, củng cố đời con" thì suy cho cùng cũng không thể gọi là trong sáng được. Lý đã gian, thì tình khó trong lắm!

Bởi vậy, cần phải hiểu câu "nâng đỡ không trong sáng" của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong Kết luận kiểm tra là nhấn mạnh 2 hành vi sai trái trong khuyết điểm rất nghiêm trọng của ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong vụ "thăng tiến thần tốc" bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

Ông Tuấn không những có hành vi sai trái là "nâng đỡ" cô Quỳnh Anh, mà còn "không trong sáng" khi "nâng đỡ" cô "hot girl" này. Nói theo cách các cụ là: Tình gian, lý cũng gian. Đúng là rất nghiêm trọng như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận.

Trong vụ này còn ai "tình gian, lý gian nữa"?

Có "tình gian, lý gian" không khi ông Giám đốc Sở Xây dựng Đào Vũ Việt không bị Thanh Hóa xử lý kỷ luật, nhưng khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì khẳng định ông này có khuyết điểm nghiêm trọng và kỷ luật với mức cảnh cáo?

Còn ông Ngô Văn Tuấn "tình gian, lý gian", được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận khuyết điểm rất nghiêm trọng, nhưng trước đó chỉ bị Thanh Hóa kỷ luật ở mức khiển trách? Còn ông Chánh văn phòng Sở xây dựng nữa....

Xem ra trong vụ việc gây chú ý dư luận cả nước này, còn lắm lắm người "tình gian, lý gian" phải được xét đến./.

(Theo VOV)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy