Hồ sơ Panama: Rà soát dữ liệu chuyển tiền của người Việt

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp (DN) có tên trong danh sách cho rằng việc họ chuyển tiền ra nước ngoài là hoạt động bình thường trong kinh doanh.

Tuy nhiên, không ai dại gì lại tự nhận mình có lỗi cả! Một số chuyên gia kinh tế có cùng quan điểm như trên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến vụ việc 189 tổ chức, cá nhân của Việt Nam nằm trong hồ sơ Panama.

Truy nguồn tiền không đơn giản

Chuyên gia kinh tế-TS Ngô Trí Long nhìn nhận việc điều tra các cá nhân, tổ chức trong danh sách này không hề đơn giản. Các cơ quan chức năng Việt Nam cần có trong tay tư liệu, hồ sơ cụ thể của từng người mới có cơ sở kiểm tra các nguồn giao dịch. Cụ thể, nguồn tiền của cá nhân, công ty đó từ đâu ra; chuyển khoản bao nhiêu tiền; nội dung chuyển khoản là gì… - ông Long nói.

Ông Long cũng cho biết theo quy định, Việt Nam cho phép các DN trong nước mở công ty ra nước ngoài. Điều này có nghĩa công ty đó có thể mở tài khoản ở nước ngoài để thực hiện các giao dịch chuyển khoản. Bên cạnh đó, DN Việt cũng có thể nhờ đối tác nước ngoài thực hiện giao dịch để chuyển tiền phi pháp ra nước ngoài. Do vậy, việc kiểm tra không hề đơn giản.

“Trốn thuế hoặc rửa tiền có nhiều hình thức nhưng cách thông thường là mở các công ty ở nước ngoài để chuyển tiền qua đó. Nếu sử dụng nghiệp vụ tài chính thì sẽ kiểm tra được nhưng cái chính là phải dựa vào số liệu, chứng cứ rõ ràng mới truy được nguồn gốc chính xác” - ông Long chia sẻ.

Cùng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nói nhiều lãnh đạo DN có tên trong danh sách cho biết việc họ chuyển tiền ra nước ngoài là hoạt động bình thường trong kinh doanh.

Theo vị chuyên gia này, cơ quan điều tra phải vào cuộc, làm rõ thêm là có trốn thuế hoặc rửa tiền hay không. Đáng chú ý, trong danh sách có nhiều địa chỉ nhà riêng mà không phải là địa chỉ công ty. Qua đó dư luận có thể đặt nghi vấn tại sao lại có nhiều giao dịch tại những địa chỉ này, thậm chí nghi ngờ một số người có họ hàng hay không với những cá nhân ở những địa chỉ đó.

Việc truy tìm nguồn tiền các cá nhân, tổ chức trong danh sách hồ sơ Panama không hề đơn giản.Ảnh: DW

Khó tránh khỏi lỗ hổng

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nêu quan điểm tất cả cá nhân, DN ở bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền chuyển tiền ra nước ngoài, mở tài khoản ở nước ngoài.

“Đây là quyền tự do của mỗi DN hoặc mỗi doanh nhân để có thể bảo quản, làm sinh lời, tránh rủi ro cho tài sản. Tất nhiên trong câu chuyện này cũng không tránh khỏi những trường hợp gửi tiền có ý đồ trốn tránh đóng thuế, giấu giếm các thu nhập bất hợp pháp như tham nhũng, rửa tiền... Nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì phải xử lý rất nghiêm” - ông Kiêm nói.

Ông Kiêm cho biết việc chuyển tiền ra nước ngoài của Việt Nam được thực hiện theo Luật Ngoại hối. Theo đó, luật quy định rõ việc chuyển tiền ra, chuyển tiền vào với nội dung gì,… Cơ quan thuế cũng có những quy định kiểm soát rất đầy đủ để ngăn chặn các hành vi trốn thuế, vi phạm. Các DN muốn chuyển tiền ra nước ngoài hay có dự án đầu tư ra nước ngoài cũng phải được cơ quan chức năng cho phép.

Luật pháp là thế nhưng thực tế thực hiện không tránh khỏi khả năng quản lý yếu hoặc chưa triệt để với nhiều lỗ hổng, từ đó các cá nhân, tổ chức có thể lách và cố tình làm sai. “Các cơ quan chức năng cần phối hợp với các tổ chức quốc tế để xác minh làm rõ và kết luận cho thỏa đáng” - ông Kiêm đề nghị.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ KH&ĐT, nói: “Vấn đề quan trọng chúng ta cần quan tâm là trong số 189 cá nhân, tổ chức đó có quan chức của Việt Nam hay không, bởi việc gửi tiền ra nước ngoài nếu dính đến quan chức thì còn liên quan đến nguồn thu nhập, tính minh bạch và tính chính danh của các khoản tiền đó”.

Theo ông Hồ, bài học cần rút ra là luật pháp về tiền tệ, ngân hàng và các công cụ, biện pháp quản lý tài chính càng ngày càng phải được hiện đại hóa. Luật pháp về tiền tệ và ngân hàng cần phải được thực thi nghiêm minh, công khai, quá trình giám sát cần phải chặt chẽ, minh bạch. Nếu vụ việc này liên quan đến tình hình tham nhũng thì cần phải được xem xét chặt chẽ hơn nữa.

Cần tách biệt trốn thuế với đầu tư thông thường

Chia sẻ về việc có liên quan đến hồ sơ Panama, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho biết ông là một doanh nhân Việt kiều Philippines và là một nhà đầu tư quốc tế. Riêng về nghĩa vụ thuế của Tập đoàn IPP tại Việt Nam, hằng năm toàn bộ các công ty thuộc tập đoàn tại Việt Nam nộp thuế cho Nhà nước hơn 1.270 tỉ đồng và đã được các cơ quan thuế của Việt Nam thanh tra, xác nhận công ty đến nay đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế.

Theo luật sư Huỳnh Trung Hiếu, chưa thể kết luận các dấu hiệu phạm pháp từ việc đầu tư ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức có tên trong hồ sơ Panama. Riêng việc hưởng lợi từ các khoản đầu tư ở nước ngoài thông qua hưởng mức thuế thấp hoặc tượng trưng là xuất phát từ chính sách thuế được quy định tại nơi đầu tư. Do vậy, cần phải tách ra các trường hợp có hay không có hành vi trục lợi từ các khoản đầu tư trốn thuế, rửa tiền và những trường hợp đầu tư bình thường.

Cũng theo luật sư Hiếu thì thủ tục để thành lập công ty “offshore” để đầu tư loại này là không quá khó vì có thể đăng ký online và sử dụng các dịch vụ thân thiện của nơi đăng ký. Bản chất sự ưa chuộng loại hình DN offshore này vẫn là sự hấp dẫn của một DN đầu tư mang quốc tịch nước ngoài được hưởng các ưu đãi về phí, phí và thuế. Do vậy, cần điều tra làm rõ mục đích và động cơ đằng sau hoạt động đầu tư ra nước ngoài thì mới kết luận được.

THÙY LINH

Giao các đơn vị chức năng theo dõi

Trao đổi với báo chí chiều 11-5, ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (NHNN), xác nhận trong hồ sơ Panama có tên của một số cá nhân, tổ chức Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này. Hiện nay, các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ các quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam đối với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài.

Cơ quan quản lý đã tiến hành rà soát các thông tin được công bố với chính dữ liệu về phòng, chống rửa tiền sẵn có của cục. “NHNN đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát theo dõi thông tin liên quan đến vụ việc này và trong phạm vi quyền hạn của mình, NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật” - ông Ngọc cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm