Hoãn xử vụ án “cái liềm”

Ngày 24-6, TAND TP Phan Thiết đã tuyên hoãn xử vụ án “cái liềm” gây nhiều tranh cãi trong gần năm năm qua do thiếu nhân chứng đối với hai bị cáo Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Văn Vân.

Theo hồ sơ, do giành nhau nước tưới thanh long, ngày 18-3-2009, ông Nam đã đánh vào mặt ông Hồng. Nghe vợ ông Hồng kêu cứu, ông Vân đang cắt cỏ cách đó hơn 200 m cầm liềm chạy đến can ngăn. Khi ông Hồng nhập viện điều trị, BV Đa khoa Bình Thuận đã hai lần chỉ định chụp CT scanner và cả hai lần bệnh viện đều kết luận sọ não của nạn nhân bình thường. Nhưng theo bản phim của BS Phạm Văn Chương (lúc đó là phó khoa Chẩn đoán hình ảnh) thì nạn nhân bị nứt sọ chẩm. Sau đó BS Chương được mời làm người giám định hình ảnh, giúp Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Bình Thuận chẩn đoán và BS Chương kết luận nạn nhân bị nứt sọ.

Hoãn xử vụ án “cái liềm” ảnh 1

Bị cáo Vân (trái), người can ngăn nhưng bị truy tố vì yếu tố cái liềm. Ảnh: PN

Từ kết quả này, ông Nam bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích do đánh ông Hồng bị thương tật hơn 14%.

Tuy nhiên, khi có kết luận điều tra lại thì phát sinh tình tiết mới. Ông Nam phát hiện có 5% thương tật của ông Hồng do vật có cạnh sắc gây ra, trong khi ông chỉ dùng tay để đánh nạn nhân. Ông Nam khiếu nại bởi nếu trừ 5% thương tật này thì có thể ông chưa bị khởi tố. Ông yêu cầu giám định lại vì nghi ngờ vết thương nứt sọ đã được “phù phép”. Các cơ quan tố tụng TP Phan Thiết liền họp bàn về sai sót trên và thống nhất 5% thương tật trên không phải do ông Nam gây ra. Tại hiện trường không có vật gì sắc nhọn ngoài cái liềm của ông Vân mang theo. Vì vậy, ông Vân bị khởi tố sau đó (cũng về tội cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm).

Ông Vân kêu oan vì mình chỉ là người đến can ngăn, khi chạy đến ông đã vứt cái liềm đâu đó mới có thể dùng hai tay kéo hai người đánh nhau ra được. Cơ quan điều tra cũng không thu được cái liềm. Đặc biệt, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 1-7-2011, một nhân chứng khẳng định thấy ông Vân chạy đến can ngăn chứ không hề đánh ông Hồng và cũng không hề cầm cái liềm trên tay. Từ đó, tòa trả hồ sơ để điều tra lại.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM liên tục có bài phân tích những vô lý trong vụ án này, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu làm rõ. Sau đó, qua giám định lại, Viện Pháp y Quốc gia kết luận: “Phần sọ chẩm của ông Hồng bình thường, không hề bị nứt như kết luận của Trung tâm Giám định pháp y Bình Thuận”.

Mặc dù vết nứt sọ chẩm không có thật nhưng sau khi trừ 8% thương tật do vết thương “ảo” này, cơ quan tố tụng vẫn truy tố ông Nam và ông Vân với 6% thương tật còn lại do... cái liềm tác động. Đáng nói là cơ quan điều tra không hề thu hồi được cái liềm vật chứng mà chỉ mô tả giống như cái liềm mua ngoài chợ.

Ngoài ra, trao đổi với PV, BS Lê Văn Thuận (Phó Giám đốc BV Đa khoa Bình Thuận) cho biết toàn bộ hồ sơ bệnh án không đề cập đến vật sắc tác động lên mặt nạn nhân. Theo quy tắc, các bác sĩ phải hỏi rõ bệnh nhân, ghi vào hồ sơ để nếu có vật sắc thì vật đó là gì, có rỉ sét hay không để phòng ngừa uốn ván. Cạnh đó, theo xác nhận của bác sĩ trực tiếp điều trị với cơ quan điều tra ngày 23-3-2009 thì bệnh nhân nhập viện tỉnh táo, chỉ có ba vết thương trên mặt giống như vết cào xước ở cạnh mũi trái, gò má trái và cung mày trái. Tuy nhiên, khi viết giấy chứng nhận các vết thương, y sĩ Tuệ (người được ông Nam cung cấp cho cơ quan điều tra là người thân của ông Hồng) ghi có… bốn vết thương.

Những điều này khiến dư luận đặt câu hỏi có phải hồ sơ vụ việc đã bị làm sai lệch dẫn đến hệ lụy là ông Vân bị truy cứu oan?

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm