‘Hội nghị Diên Hồng’ cho đồng bằng sông Cửu Long

Hôm nay (26-9), Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được chính thức khai mạc tại TP Cần Thơ với sự tham dự của trên 500 đại biểu. Đây được coi là “Hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL, nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương vùng ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100.

Cụ thể, hội nghị lần này nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với các nguy cơ hiển hiện từ biến đổi khí hậu; cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; cũng như việc sử dụng nước đầu nguồn sông Mekong và các vấn đề nội tại của ĐBSCL.

Đánh thức tiềm năng một cách tương xứng

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các vấn đề nói trên của ĐBSCL không tác động riêng lẻ mà đang tạo ra “thế gọng kìm”. Điều đó đòi hỏi sự nhận diện hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, sự tiếp cận đa ngành và phối hợp giải quyết liên ngành.

Ông Hiệp cho biết biến đổi khí hậu là một hiện tượng toàn cầu mà ĐBSCL được nhận diện là một trong ba đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Nó không phải là câu chuyện trăm năm mà đang hiển hiện ngay trước mặt, ngày càng rõ nét trong những năm gần đây như vấn đề nguồn nước và phù sa từ sông Mekong, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt… Và những vấn đề này cần được xem xét tổng thể, định hướng mô hình phát triển, xác định các nhóm giải pháp chiến lược, những đột phá trong tư duy để thống nhất hành động trong toàn xã hội từ đó để vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

Tiềm năng lúa đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu nhưng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ảnh: GIA TUỆ

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng những đóng góp của ĐBSCL cho quốc gia đã được khẳng định. Đồng thời những điểm nghẽn, nút thắt của ĐBSCL cũng đã được chỉ rõ. Vấn đề còn lại là cần có những quyết sách lớn, triển khai một cách kịp thời và đồng bộ để đánh thức những tiềm năng và những gì tương xứng mà lẽ ra người đồng bằng nhận lại sau khi nỗ lực đóng góp cho quốc gia.

Theo ông Hoan, hiện chưa có những chương trình, dự án khơi thông những điểm nghẽn, lấp đi những chỗ trũng về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực ở ĐBSCL.

“Tôi rất kỳ vọng vào hội nghị lần này với thông điệp “kiến tạo“ từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ sẽ hoạch định ra các quyết sách lớn để các địa phương vượt qua những điểm nghẽn, tháo gỡ được các nút thắt. Từ đó, các tỉnh đồng bằng sẽ vươn lên khẳng định vị thế một cách đầy đủ nhất, tương xứng nhất với những tiềm năng vốn có của mình” - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nói.

Cùng quan điểm này, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, hy vọng sẽ có một quyết sách căn cơ, đột phá cho vùng ĐBSCL cất cánh, trong đó phải tìm ra giải pháp hiệu quả hơn để ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững trong điều kiện xâm nhập mặn ngày càng gay gắt và nước biển dâng.

Ba vấn đề xương sống

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng cho rằng cần có cơ chế riêng, đủ mạnh để đầu tư phát triển đồng bộ cho toàn vùng, nhất là những quyết sách ưu tiên cần thiết để tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển công nghiệp chế biến.

Cụ thể hơn, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn.

Theo ông Hiệp, việc quy hoạch chiến lược phát triển ĐBSCL, tầm nhìn dài hạn đến năm 2100 được các chuyên gia Hà Lan cùng các nhà khoa học trong nước khuyến nghị Chính phủ xem xét qua bốn kịch bản phát triển và khuyến nghị mô hình công nghiệp hóa kinh doanh nông nghiệp.

Hội nghị hết sức quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới. Mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các vùng khác trên cả nước và thế giới.

Bộ trưởng Bộ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ

Trung ương phải có những quyết sách nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên nước, đất, sinh vật…) khu vực, tránh việc khai thác quá ngưỡng chịu đựng làm suy thoái môi trường và hệ sinh thái. Bên cạnh đó, phải thấy được các rủi ro và thách thức tiềm năng từ bên ngoài như chuỗi các công trình đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.

PGS-TS LÊ ANH TUẤN,  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu
biến đổi khí hậu
(ĐH Cần Thơ)

Ông Hiệp cho rằng cần tập trung ba vấn đề mang tính xương sống:

Một là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung cầu thị trường.

Hai là, tái cấu trúc nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ba là, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: Sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, gắn với đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân khởi nghiệp cùng với nâng cao tri thức kinh doanh nông nghiệp cho nông dân.

Thủ tướng chủ trì phiên toàn thể

Theo Bộ TN&MT, Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trong hai ngày. Cụ thể, ngày 26-9, các đại biểu thảo luận nhận diện được thách thức, cơ hội, dự báo các xu thế tác động đến vùng ĐBSCL dưới tác động từ nội tại, của biến đổi khí hậu và từ bên ngoài làm cơ sở quy hoạch tổng thể, định hình mô hình phát triển bền vững. Cùng đó là hiến kế các giải pháp chuyển đổi bền vững, phát triển kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai và sạt lở; cơ chế điều phối vùng và huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển.

Ngày làm việc thứ hai (27-9), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, hội nghị sẽ bàn bạc, thống nhất các quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy