Họp trực tuyến, tiền tỉ hay tiền triệu?

Hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp mà nhiều cơ quan nhà nước đã áp dụng hình thức họp trực tuyến để tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, nâng cao hiệu quả điều hành công việc.

Nghe báo giá, tắt ngay ý định

Tại cuộc làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ngày 15-3, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã đưa ra thông tin đáng chú ý: “Mỗi cuộc họp trực tuyến toàn quốc chi phí tới cả tỉ đồng, trong đó đầu cầu ở trung ương mất khoảng 600-700 triệu đồng, mỗi điểm cầu ở địa phương thêm vài chục triệu nữa”.

Vị thứ trưởng này cũng bình luận mô hình tổ chức họp trực tuyến toàn quốc nhằm tiết kiệm nhưng chi phí đưa ra phải giật mình. “Như thế thì thà cứ họp trực tiếp, mỗi nơi 1-2 lãnh đạo bay về dự họp, nghỉ khách sạn một đêm rồi về thì một địa phương cũng chỉ mất mấy chục triệu là cùng” - ông nói tại cuộc họp.

Tìm hiểu vấn đề này, PV đã gặp lại Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhưng ông không thông tin gì thêm ngoài những nội dung ông đã phát biểu công khai.

Trong khi đó, chia sẻ với PV, một vị thứ trưởng khác của bộ này kể có lần cơ quan muốn tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng khi nghe mức giá lên tới 400 triệu đồng, văn phòng bộ đành phải điều chỉnh kế hoạch. Thay vì tổ chức hội nghị trực tuyến, Bộ cử lãnh đạo vào làm hội nghị trực tiếp trong đó. Chi phí rẻ hơn rất nhiều lần so với mức giá mà đơn vị cung cấp đưa ra.

Một chương trình hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VNPT: Chi phí phụ thuộc nhiều yếu tố

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay VNPT đang chiếm thị phần áp đảo trong cung cấp dịch vụ hội nghị trực tuyến cho các cơ quan chính phủ. Nguồn tin từ Viettel cũng cho biết như vậy, song không muốn bình luận sâu.

Điều này cũng bộc lộ phần nào qua thông tin mà chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT, ông Trần Mạnh Hùng, đưa ra tại lễ khai trương hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, kết nối ngành tòa án từ trung ương tới huyện hồi tháng 1-2017. Theo đó, ông Hùng cho biết VNPT được Chính phủ giao triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến phục vụ các phiên họp của Thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ, ngành từ năm 2009. VNPT cũng đã ký thỏa thuận hợp tác, cung cấp dịch vụ họp trực tuyến và hợp tác viễn thông-công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 với 51 tỉnh, thành và nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp…

Để giải đáp con số tiền tỉ mà Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nêu ra, PV đã liên hệ với lãnh đạo VNPT. Tuy nhiên, đại diện VNPT không cho biết con số cụ thể về chi phí tổ chức hội nghị trực tuyến.

Theo đại diện VNPT, chi phí cho cuộc tọa đàm trực tuyến phụ thuộc vào thời gian tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến, số lượng điểm cầu kết nối, chủng loại thiết bị sử dụng, đường truyền khách hàng có sẵn hay thuê của VNPT, là khách hàng thuê theo tháng hay thuê theo phiên hội nghị... VNPT chỉ có báo giá chi tiết sau khi khảo sát, trao đổi cụ thể với khách hàng.

“Về thông tin Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu ra, chúng tôi không rõ đang nói đến trường hợp cụ thể nào nên không thể có câu trả lời chính xác” - vị đại diện VNPT cho hay.

Có cạnh tranh thì giá sẽ giảm

Không tìm được câu trả lời chi tiết hơn từ VNPT, PV đã tìm đến các chuyên gia công nghệ để làm rõ về chi phí của hình thức họp trực tuyến hiện nay.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho biết hiện nay công nghệ đã cho phép họp trực tuyến thuận lợi và dễ dàng đến mức có thể miễn phí. Ở các doanh nghiệp, chỉ cần đầu tư máy tính, camera, thiết bị âm thanh một lần, đường truyền Internet và sử dụng phần mềm miễn phí Skype, Gomeeting là có thể họp trực tuyến miễn phí với khắp nơi trên thế giới.

Khi được hỏi về mức chi phí lên tới cả tỉ đồng mà Thứ trưởng Thừa nêu ra là cao hay thấp, ông Thắng nói: “Tôi không biết đây là tiền trả cho công tác tổ chức hay trả đường truyền để kết nối. Tôi cũng không hiểu sao mà doanh nghiệp họp trực tuyến thì miễn phí, còn Chính phủ cũng họp trực tuyến mà tốn nhiều tiền thế!”.

Tổng giám đốc một công ty công nghệ cũng cho rằng chi phí mỗi cuộc họp trực tuyến toàn quốc mà tới 1 tỉ đồng là rất vô lý.

Theo chuyên gia Võ Đỗ Thắng, nếu để thị trường hoặc công khai cho phép các công ty cạnh tranh, chào giá dịch vụ thì chắc chắn sẽ có giá tốt nhất, bởi có cạnh tranh thì giá sẽ giảm. “Thế giới công nghệ đã cho phép người dân có thể gọi điện thoại miễn phí, video meeting miễn phí thông qua Facebook, Viber, Skype,... thì tôi nghĩ mức giá cuộc họp trực tuyến toàn quốc nếu công khai sẽ giảm hơn rất nhiều” - ông Thắng nói.

Vị thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị không nêu tên nói trên cũng cùng quan điểm này khi cho rằng nên có sự cạnh tranh trong việc tổ chức hội nghị trực tuyến. “Xây dựng chính phủ điện tử là yêu cầu tất yếu. Nhưng phải xây dựng với giá rẻ nhất mà đem lại hiệu quả cao nhất” - vị này bày tỏ quan điểm.

TP.HCM: Chỉ tốn tiền đầu tư ban đầu

Từ đầu năm 2016, TP.HCM đã vận hành chương trình hội nghị truyền hình trực tuyến. Trong một năm thực hiện, TP đã tổ chức gần 100 cuộc họp trực tuyến và không phát sinh bất kỳ chi phí nào.

Hiện nay, chính quyền TP có hệ thống mạng kết nối giữa TP và các sở, ngành, quận, huyện. Tất cả ứng dụng đều “chạy” trên đường truyền này, trong đó có các cuộc họp trực tuyến. Hằng năm TP đều ký hợp đồng thuê đường truyền của VNPT với kinh phí là 7 triệu đồng/năm cho tất cả dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để vận hành và kết nối được chương trình này từ TP đến tất cả điểm cầu thì ngay từ đầu TP phải đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị ban đầu. TP đã đầu tư tất cả máy móc cho tất cả điểm cầu với số tiền 8 tỉ đồng và chỉ đầu tư một lần.

Hiện nay TP đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, các dịch vụ qua mạng ngày càng được sử dụng nhiều. Để tránh sự độc quyền trong cung cấp dịch vụ, trong tháng 4 tới, UBND TP sẽ tổ chức hội chợ công nghệ thông tin, các quận, huyện có thể đưa ra đầu bài. Qua đó doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu thì đều có thể đấu thầu để thực hiện.

VÕ THỊ TRUNG TRINH, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM

8 triệu đồng/tháng cho mỗi điểm cầu

Tìm kiếm trên Internet và ngẫu nhiên thấy quảng cáo về dự án dịch vụ hội nghị truyền hình trực tuyến VIDYO của Công ty Viễn thông quốc tế FPT, PV đã liên hệ nơi đây để tìm hiểu giá cả của dịch vụ này.

Với yêu cầu đặt ra là một công ty muốn tổ chức cuộc họp trực tuyến nội bộ giữa ba điểm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; các điểm cầu đều đã có đủ màn hình, thiết bị âm thanh, với mỗi phòng họp 20 người dự, giám đốc dự án này cho biết FPT sẽ ký hợp đồng thuê bao dịch vụ theo tháng, kèm theo là cho thuê thiết bị kỹ thuật. Sẽ có cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn cách thức vận hành, rất đơn giản, sau đó bên thuê dịch vụ sẽ tự triển khai được…

Mức giá được đưa ra là 8 triệu đồng/tháng cho mỗi điểm cầu, ba điểm cầu là 24 triệu đồng. Đây là mức giá của gói dịch vụ chất lượng cao nhất, họp lúc nào cũng được, 24/24 giờ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy