Vụ cấp đất rừng trái phép làm khu du lịch:

Huyện cấp đất vượt thẩm quyền TP

Khu du lịch Ngầm Đôi (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) là một điểm đến hấp dẫn được người dân TP Đà Nẵng và du khách lựa chọn. Tuy nhiên, như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, sau khi rà soát lại toàn bộ quy hoạch trên địa bàn huyện Hòa Vang thì TP Đà Nẵng mới “tá hỏa” phát hiện Khu du lịch Ngầm Đôi được xây dựng trái phép trên đất rừng.

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, ngày 27-1-2003, ông Đặng Thương (Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hòa Vang) đã ký quyết định giao diện tích 15,5 ha đất rừng tại Ngầm Đôi cho bà Nguyễn Thị Mai vợ của nguyên Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Huỳnh Minh Nhơn (đã mất) và bà Trương Thị Lâm vợ của ông Mạc Như Siêng (nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Phú) cùng ông Mạc Như Giác (chú của ông Siêng). Ông Mạc Như Siêng sau khi lên làm Trưởng phòng Tư pháp huyện Hòa Vang thì đã đổi tên thành Mạc Thông.

Ông Đặng Thương (Phó Bí thư huyện ủy kiêm Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hòa Vang) trao đổi về việc cấp đất vượt thẩm quyền tại Khu du lịch Ngầm Đôi. LÊ PHI

Đến tháng 6-2010, vợ ông Mạc Như Giác là bà Lê Đình Thủy Châu làm đơn xin và được ông Huỳnh Minh Nhơn (Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang) “lách luật” cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch hộ gia đình tại Ngầm Đôi với diện tích 1,8ha. Thực chất là kinh doanh khu du lịch (phải do TP ký) chứ không chỉ nhỏ lẻ diện hộ gia đình. Trên thực tế, Khu du lịch Ngầm Đôi có sự góp vốn của vợ nguyên Chủ tịch huyện Hòa Vang Huỳnh Minh Nhơn và vợ ông Mạc Thông (nay Trưởng phòng Tư pháp huyện Hòa Vang). 

Qua tìm hiểu của chúng tôi trong ngày 19-8, việc ông Huỳnh Minh Nhơn (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang) cấp phép 1,8 ha đất rừng cho bà Châu để làm khu du lịch là hoàn toàn sai, “vượt mặt” UBND TP Đà Nẵng. Ngoài ra, theo các ngành chức năng TP Đà Nẵng, khu vực này đang tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch là khoảng 5 ha và phần mở rộng mới ra suối nước khoảng 2,6 ha, tổng cộng là 7,6 ha. 

Hiện tại khu du lịch Ngầm Đôi đã xây dựng khá nhiều công trình kiên cố. Trong đó có nhà điều hành, khu vực nhà vệ sinh, nhà gỗ, lán trại… khá quy mô nằm chạy dọc suối. Tại đây chủ khu du lịch thu mỗi người đến chơi 20.000 đồng/vé và cho thuê nhà chòi từ 150.000-250.000 đồng.  

Đất tại khu du lịch Ngầm Đôi được cấp cho người thân, vợ lãnh đạo huyện Hòa Vang. LÊ PHI

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Thương (Phó Bí thư huyện ủy kiêm Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hòa Vang), cho biết chính ông là người ký quyết định giao 15,5 ha đất rừng cho ông Giác, bà Mai và bà Lâm. Nhưng việc ông giao đất trồng rừng là đúng chủ trương, không hề có sai phạm vì giao… đúng đối tượng.

PV đặt câu hỏi, khi đặt bút ký giao đất rừng cho các hộ trên thì có biết đó là vợ, người thân của lãnh đạo huyện và xã không thì ông Thương cho hay: “Khi đặt bút ký thì chỉ ký giao đất cho công dân là bà Mai thôi chứ không phải ký để cấp cho vợ chủ tịch huyện, cũng không phải vì kiêng nể anh Nhơn hay chủ tịch xã Hòa Phú đâu”.    

Ông Thương lý giải, Ngầm Đôi là khu vực hẻo lánh, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc. Huyện đã có chủ trương giao rừng kêu gọi người dân nhưng không thấy ai xin làm vì người dân khu vực này còn khó khăn. Sau đó, ông Giác, bà Mai, bà Lâm làm đơn xin trồng rừng. “Đây là những người có điều kiện kinh tế, đủ tiêu chuẩn mới được giao đất, còn dân địa phương không có nhu cầu thì huyện không giao”, ông Thương cho biết thêm.

Cũng theo ông Thương, quy trình được giao đất rừng là xã Hòa Phú lập Hội đồng xét chọn sau đó mới trình lên huyện duyệt. Chủ trương của TP là ưu tiên số một giao đất rừng cho người dân địa phương sau đó mới đến giao cho người có nhu cầu. Xét về điều kiện kinh tế, năng lực thì ba người trên được giao đất rừng.

Tuy nhiên, ông Thương không trả lời được câu hỏi vì sao trong quá trình xét đó thì bà  Lâm vợ của ông Siêng (Chủ tịch UBND xã Hòa Phú lúc đó) lại được Hội đồng “ưu ái” giao đất trong khi người dân địa phương có nhu cầu lại không được. Như vậy, có thể thấy trong quá trình giao đất trồng rừng thì chỉ cán bộ, vợ cán bộ xã Hòa Phú và huyện Hòa Vang mới có đủ năng lực về tài chính để trồng rừng còn người dân thì không.

Nhưng ông Thương cũng thừa nhận: “Nếu có sai là sai ở việc cấp 1,8 ha đất rừng làm khu du lịch. Theo luật thì huyện chỉ được cấp phép đối với diện tích dưới 0,5 ha, còn trên 0,5 ha là phải báo cáo TP. Nhưng khi cấp cho bà Châu thì anh Nhơn cấp 1,8 ha, như vậy là vượt quá thẩm quyền của huyện”. 

Ông Thương cũng cho rằng, hiện tại chủ đầu tư cũng chưa có giấy phép để hình thành khu du lịch, giấy phép xây dựng cũng chưa có nên việc chủ đầu tư xây dựng các công trình kiên cố trên khu vực Ngầm Đôi là sai quy định.

Về việc xử lý trách nhiệm các cán bộ tham mưu trong việc cấp đất rừng làm khu du lịch vượt thẩm quyền theo chỉ đạo của TP, ông  Thương cũng cho biết: “TP nói sai nhưng tôi chưa thấy sai cái chi để xử lý cán bộ tham mưu cả. TP nói sai thì phải chỉ rõ sai ở đâu để huyện biết mới xử lý được. Cấp trên nói thì cấp dưới phải làm, huyện có sai thì sẽ sửa. Nhưng tôi khẳng định có sai là sai ở việc cấp vượt thẩm quyền 1,8 ha đất làm du lịch thôi, nhưng họ đã lỡ đầu tư rồi thì cũng đề nghị TP tạo điều kiện hướng dẫn cho họ hoàn thiện thủ tục để hoạt động”.

Ông Thương cũng cho hay chưa nắm được thông tin về việc người dân phản ánh còn có một lãnh đạo cấp cao của huyện Hòa Vang cũng được cấp hàng chục ha đất rừng và một phần đất này đã được chuyển đổi thành đất ở. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy