Huyền Như vừa tham ô vừa lừa đảo?

Sáng 29-12, phiên tòa phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục phần đối đáp giữa công tố viên và luật sư. VKS vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ có năm công ty trong vụ án là thuộc trường hợp Huyền Như có dấu hiệu lợi dụng chức vụ tham ô tài sản của VietinBank và ngân hàng này có trách nhiệm bồi thường. Còn ACB và NaviBank gửi tiền trái luật và là nạn nhân của việc Như lừa đảo nên không thể “níu áo” VietinBank.

“Huyền Như lấy tiền của khách hàng từ “túi” VietinBank”

VKS khẳng định với trường hợp năm công ty (SBBS, Phương Đông...) “Huyền Như không thể lấy được tiền nếu không có sự tắc trách trong quản lý của VietinBank. Có thể thấy VietinBank đã bị chính Huyền Như lừa, chiếm đoạt tiền. Như phải chịu trách nhiệm với VietinBank”.

Theo viện, tiền khách hàng gửi là tiền huy động vốn của VietinBank chứ không phải là tiền thanh toán của khách hàng, bằng chứng là ngân hàng phải trả lãi cho các khoản tiền này. VKS không đồng tình với quan điểm cho rằng “VietinBank chỉ là cái áo khoác” mà Như lợi dụng. Bản chất của ngân hàng thương mại là giao dịch gửi giữ. Ngân hàng phải quản lý tài sản cho khách hàng. Nếu ngân hàng không giữ thì không còn quan hệ khách hàng và ngân hàng.

Huyền Như vừa tham ô vừa lừa đảo? ảnh 1

Theo quan điểm của VKS, Huyền Như vừa tham ô vừa lừa đảo. Ảnh: HOÀNG YẾN

VKS nói Như đã lợi dụng danh nghĩa VietinBank để huy động vốn,  “mời chào” khách gửi tiền vào đó, sau đó Như đã lấy tiền của khách từ “trong túi” VietinBank. Các luật sư của VietinBank chỉ viện dẫn nghĩa vụ khách hàng mà thoái thác trách nhiệm của ngân hàng để từ chối bồi thường là không đúng luật định.

VKS “xin thưa luật sư” nói vậy là chỉ “nói ngọn mà không nói gốc, đổ lỗi cho khách làm thủ tục không hợp lệ trong khi các thủ tục do ngân hàng đặt ra...”. VKS nhấn mạnh việc VietinBank để khách bị mất tiền xảy ra ngay tại phòng giao dịch mà Như làm quyền trưởng phòng. Rủi ro này VietinBank phải gánh chịu. Chính VietinBank đã lơi lỏng trong quản lý để Như chiếm đoạt tiền của khách với hàng loạt giao dịch bất thường trong thời gian dài. Vì vậy, không thể nói hàng triệu triệu khách không mất tiền sao khách của Huyền Như mất tiền mà chối bỏ trách nhiệm. Bởi nếu việc mất tiền xảy ra thường xuyên thì VietinBank làm sao có chỗ đứng trên thị trường hiện nay. VKS nhấn mạnh: “Trách nhiệm pháp lý sẽ khác đi rất nhiều nếu VietinBank biết các thỏa thuận ngầm”.

Đồng thời, viện cũng ngạc nhiên khi luật sư từ chối Công ty Phương Đông, một khách hàng truyền thống của mình. (Khái niệm này VKS mượn lời của VietinBank trong các công văn trình lãnh đạo ký để huy động vốn của đơn vị này.) Và một ngạc nhiên khác là VietinBank cho là Như không phải là người có chức vụ. Lý luận vậy phòng giao dịch VietinBank không có ai chịu trách nhiệm, không ai quản lý... (?).

“Viện đánh giá hành vi của Huyền Như xảy ra tại ngân hàng, trong khi đó luật sư VietinBank lại đánh giá hành vi của bị cáo diễn biến ngoài ngân hàng dẫn đến sự khác biệt về quan điểm” - VKS phân tích. VKS chỉ ra là hành vi của Huyền Như diễn ra trong ngân hàng như làm giả hồ sơ, chữ ký… là nguyên nhân dẫn đến mất tiền. Đây là biểu hiện của tội tham ô tài sản.

ACB, NaviBank phạm luật nên không được bảo vệ?

So sánh với năm công ty trên, ACB và NaviBank được VKS ví là “hành vi của thành niên và vị thành niên. Hành vi ở đây là biết luật mà vẫn cố tình phạm luật”.

Theo công tố viên, hai đơn vị này đã làm trái luật. Tài khoản tiền gửi của nhân viên ACB và Navibank mở ra được sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Các nhân viên này mở tài khoản nhưng họ không có nhu cầu. Việc mở tài khoản là để Ngân hàng ACB và NaviBank chuyển tiền đến.

Viện nhấn mạnh: “Hành vi chiếm đoạt của Huyền Như đối với tiền gửi của hai ngân hàng này đã thỏa mãn các yếu tố lừa đảo chiếm đoạt. Trong mối quan hệ này, nhân viên ACB, NaviBank là người trực tiếp gửi tiền và đã bị Huyền Như chiếm đoạt. Bản chất đây là tiền của ACB và NaviBank”.

Phản bác lại, luật sư của ACB nói không thể cho rằng ACB và nhân viên của mình có lỗi trong việc chuyển tiền vào VietinBank thì hành vi của Huyền Như không phải là hành vi tham ô tài sản. Những người “có lỗi” trong việc chuyển tiền vào VietinBank đã bị xử lý trong một vụ án khác nhưng không phải vì thế cho rằng hành vi chiếm đoạt gần 718 tỉ đồng không phải là hành vi tham ô tài sản. “Không thể lập luận: Chính ACB đã thực hiện hành vi trái pháp luật nên sẽ không được pháp luật bảo vệ” - luật sư ACB nhấn mạnh.

Còn luật sư của NaviBank lập luật: “Nếu cứ theo ý kiến của viện thì bản án phúc thẩm sắp tuyên có nguy cơ phải chấp nhận nghịch lý chặt đôi giữa ngọn và gốc của một sự việc, chia đôi một nhóm nạn nhân, tách đôi một sự thật, xẻ đôi một bản chất vấn đề, chẻ đôi một điều luật, để thành hai phán quyết hoàn toàn trái ngược nhau”.

Đề nghị giảm hình phạt một số bị cáo

Về các kháng cáo phần hình sự của các bị cáo, VKS giữ nguyên quan điểm đã trình bày trước đó. Đối với nhóm 10 cán bộ, nhân viên VietinBank vi phạm các quy định về cho vay, viện vẫn giữ nguyên quan điểm các bị cáo có tội. Tuy nhiên, viện đề nghị HĐXX xem xét thêm nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, việc họ không tư lợi, mới vào nghề, lệ thuộc... để chiếu cố hình phạt.

Đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên - phó Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng (án sơ thẩm tuyên 11 năm tù), VKS nhận thấy không có cơ sở chấp nhận. Bởi lẽ căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai nhận tội trong quá trình điều tra của bị cáo và kết quả đối chất tại tòa, viện nhận thấy có đủ cơ sở kết luận bị cáo đã duyệt sáu khoản vay cầm cố bằng thẻ tiết kiệm vay tổng cộng hơn 33 tỉ đồng nhưng không có chữ ký của khách hàng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm