Kết quả trưng cầu ý dân phải có hiệu lực bắt buộc thi hành

TS Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia VN, bày tỏ dự thảo luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia pháp lý và chỉnh lý sửa đổi một số nội dung mới. Trong đó, khẳng định rõ “kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định. Tất cả cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, kinh tế, đơn vị vũ trang, công dân có nghĩa vụ tôn trọng, thực hiện kết quả này”. Ông Quyền lý giải Điều 29 Hiến pháp 2013 đã hiến định công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, mà đã biểu quyết thì rõ ràng là có hiệu lực quyết định. Ở đây, theo ông Quyền, đừng nhầm lẫn giữa trưng cầu ý dân với chuyện tham khảo ý dân.

GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho rằng hầu hết các quốc gia đều quy định “giá trị kết quả trưng cầu có hiệu lực bắt buộc thực hiện”. Bà Quỳ cũng thông tin, theo một nghiên cứu khảo sát về chế định này ở trên 100 quốc gia thì có đến 79 nước quy định “kết quả trưng cầu có hiệu lực bắt buộc”. Ví dụ liên quan đến trưng cầu ý dân về vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia thì phải có hiệu lực bắt buộc thi hành.

Theo bà Quỳ, nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã định hướng rõ “mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước” và vấn đề hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân cũng không thể đi ngược lại định hướng này.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm