Khiếu nại trước mới được kiện báo?

Vụ án đặt ra một tình tiết pháp lý gây tranh cãi xung quanh việc tòa thụ lý những vụ kiện liên quan đến báo chí: Người cho rằng đương sự phải khiếu nại báo trước, người lại nói cứ kiện thẳng ra tòa.

Bị đơn không tham gia tố tụng

Giữa tháng 3, Báo Dăk Lăk đăng bài viết phản ánh rằng có bốn hộ dân được Binh đoàn 15 Quân khu 5 (nay là Công ty Cà phê 15) giao khoán vườn cà phê nhưng không giao nộp sản phẩm và “làm thủ tục” để được cấp giấy đỏ trái quy định, xây công trình trái phép trên đất quốc phòng...

Bốn hộ dân cho rằng sau đó dư luận xầm xì, bàn tán là họ đã có hành vi gian dối, không trung thực, làm thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ. Do vậy, họ yêu cầu TAND huyện Krông Búk (cũ) buộc Báo Dăk Lăk bồi thường tổng cộng 20 triệu đồng thiệt hại về sức khỏe và tổn thất tinh thần, đồng thời đăng cải chính những nội dung sai sự thật, công khai xin lỗi theo Luật Báo chí.

Suốt quá trình tòa giải quyết, Báo Dăk Lăk đều vắng mặt. Cách hành xử này của báo cũng có nguyên do. Đầu tiên, ngay từ khi TAND huyện Krông Búk thụ lý, Báo Dăk Lăk đã cho rằng các đương sự chưa khiếu nại đến báo theo quy định tại Điều 9 Luật Báo chí và Nghị định số 51 năm 2002 của Chính phủ (quy định về cải chính trên báo chí). Thứ nữa, báo có trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột nhưng TAND huyện Krông Búk thụ lý là sai thẩm quyền...

Dù vậy, TAND thị xã Buôn Hồ sau này vẫn đưa vụ án ra xử, tuyên buộc Báo Dăk Lăk phải đăng bài cải chính những nội dung sai sự thật và công khai xin lỗi theo đúng Luật Báo chí. Tòa không chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn về việc buộc Báo Dăk Lăk bồi thường thiệt hại.

Theo tòa, đây là quan hệ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, được quy định tại khoản 6 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự, khi có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Mặt khác, theo luật, các nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án nơi mình cư trú giải quyết. Hiện các nguyên đơn đang cư trú tại thị xã Buôn Hồ nên TAND huyện Krông Búk trước đây, nay là thị xã Buôn Hồ thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền. Tòa đã ra thông báo hợp lệ nhưng bị đơn vẫn vắng mặt là từ bỏ quyền và nghĩa vụ của mình...

Khiếu nại báo trước?

Ở đây, chúng tôi không đi vào nội dung tranh chấp của bốn hộ dân với Báo Dăk Lăk, cũng không bàn đến phán quyết của tòa đúng hay sai. Điều chúng tôi muốn đề cập là khi một người cho rằng một tờ báo viết sai, xâm hại đến lợi ích của mình thì có được kiện thẳng ra tòa hay phải khiếu nại đến tờ báo đó trước?

Luồng quan điểm thứ nhất đồng tình với Báo Dăk Lăk, lập luận rằng khi nhận đơn kiện, lẽ ra tòa phải áp dụng quy định người khởi kiện chưa có quyền khởi kiện để trả lại đơn cho đương sự.

Lý do là Điều 9 Luật Báo chí quy định: Báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng với lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết quả đó. Tổ chức, cá nhân có quyền phát biểu bằng văn bản về những nội dung đề cập trên báo chí khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình. Cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đối với thông tin đã được đăng, phát sóng trên báo của mình...

Đồng thời, khoản 3 Điều 4 Nghị định 51 của Chính phủ cũng đề cập: Cơ quan báo chí nhận được lời phát biểu bằng văn bản của tổ chức, cá nhân về những nội dung đề cập trên báo chí của mình, khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến họ thì phải đăng, phát lời phát biểu đó đúng vị trí, chuyên mục mà báo chí đã đăng, phát thông tin... Trường hợp không nhất trí với lời phát biểu của tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí có quyền thông tin tiếp làm rõ quan điểm của mình. Sau ba lần đăng, phát ý kiến của tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà không có sự thống nhất giữa hai bên thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền yêu cầu ngừng đăng, phát thông tin của đương sự. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo chí đó, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại tòa...

Do vậy, việc tòa thụ lý vụ án khi các đương sự chưa thực hiện việc khiếu nại đến cơ quan báo chí là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Dựa trên lập luận này, mới đây VKS tỉnh Dăk Lăk đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND thị xã Buôn Hồ.

Hay cứ việc kiện?

Ngược lại, luồng quan điểm thứ hai đồng tình với TAND thị xã Buôn Hồ bởi Bộ luật Tố tụng dân sự không hề quy định trước khi khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, người khởi kiện phải thực hiện các quy định của Luật Báo chí.

Những người theo quan điểm này phân tích thêm: Ngay Điều 9 Luật Báo chí đã quy định tổ chức, cá nhân có quyền phát biểu bằng văn bản về những nội dung đề cập trên báo chí khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình... Như vậy, đây là quyền của đương sự chứ không phải nghĩa vụ. Mà đã là quyền thì họ thực hiện hay không là việc của họ.

Tương tự, nội dung khoản 3 Điều 4 Nghị định 51 cũng phải hiểu là nếu cơ quan báo chí tiếp tục đăng, phát ba lần mà các bên chưa thống nhất, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền yêu cầu ngừng đăng, phát thông tin của đương sự. Lúc này đương sự có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện chứ không bắt buộc đương sự phải làm thủ tục khiếu nại sau khi báo đăng bài và trước khi khởi kiện.

Cạnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định trường hợp khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người khởi kiện phải tiến hành các thủ tục “tiền tố tụng” như trong án hành chính nên việc tòa nhận đơn, thụ lý là đúng.

Trong vụ án này, hiểu theo luồng quan điểm nào mới đúng pháp luật? Xin mời bạn đọc lên tiếng luận bàn.

PHAN GIA HI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm