Khổ sở vì nắng nóng

Nắng nóng đang hoành hành dữ dội khắp miền Trung và miền Nam. ThS Lê Thị Xuân Lan, Phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết: Trong gần một tuần nay tại TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam nhiệt độ liên tục ở mức 35OC-36OC, có thời điểm lên đến 38OC. Dự báo tình hình thời tiết này còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày nữa, phải tới cuối tháng 5 đầu tháng 6 mới xuất hiện mưa.

“Do chịu tác động của El Nino nên nhiệt độ năm nay cao hơn so với trung bình nhiều năm. Từ giữa và cuối tháng 4 trở đi, hạn hán sẽ gay gắt hơn, trọng tâm vẫn là các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa...” - bà Lan nói.

Bệnh nhân nhập viện tăng

Tại BV Thống Nhất TP.HCM, số lượng bệnh nhân cao tuổi đến điều trị tăng nhanh so với ngày bình thường. “Các bệnh dễ xảy ra do thời tiết nắng nóng là tăng huyết áp, viêm phổi, viêm phế quản, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp. Chỉ riêng đầu tháng 4 đã có 143 bệnh nhân đến điều trị bệnh tăng huyết áp, trong khi tổng cộng cả hai tháng 2 và 3 chỉ có 445 người. Số lượng bệnh nhân tới khám bệnh về hô hấp và xương khớp cũng tăng 10% so với đầu tháng 2 và 3” - BS chuyên khoa 2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất, thông tin.

Còn tại BV Nhi đồng 1, theo khảo sát chiều 15-4 số lượng bệnh nhi tại khoa Hô hấp, khoa Tiêu chảy khá đông. Những ngày bình thường số lượng bệnh nhi nhập viện tầm 50-60 trẻ/ngày thì gần đây con số này lên tới 70-90 trẻ/ngày. Trong phòng quá nóng, nhiều phụ huynh phải đưa con ra hành lang, cầu thang… nghỉ ngơi.

BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, cho hay thông thường cao điểm của các bệnh về hô hấp gắn liền với mùa lạnh từ tháng 8 đến tháng 11. Tuy nhiên, những ngày qua, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị về hô hấp tăng lên. Nguyên nhân chính là do tập quán sử dụng quạt gió, máy lạnh của nhiều người không hợp lý.

Ngoài ra do thời tiết nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu nên số lượng trẻ mắc bệnh tiêu chảy cũng tăng khoảng 10% so với tháng trước.

Phụ huynh các bệnh nhi tại BV Nhi đồng 1 phải cho trẻ ra hành lang hóng gió. Ảnh: H.PHƯỢNG

Những giọt mồ hôi của anh bán cháo lòng khi đẩy xe cháo dưới cái nắng oi bức.  Ảnh : M.HUỆ

Mẹ và con đều biến thành “ninja” khi tới trường. Ảnh: M.HUỆ

Gồng mình chống nắng

Trời nắng nóng đã làm đảo lộn cuộc sống của không ít người dân TP.HCM. Chỉ khi có việc cần kíp, người dân mới ra đường sau khi trang bị đầy đủ các loại áo, mũ, bao tay kín mít.

Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, cho hay đã phải đi học bằng xe buýt thay vì xe máy nhằm đảm bảo sức khỏe. Giữa trưa, các khu nhà trọ vắng tanh do mọi người rủ nhau vào siêu thị, quán nước hoặc công viên gần nhất tránh nóng.

Bạn Huỳnh Thị Ngọc Minh (ĐH Khoa học Tự nhiên) chia sẻ: “Trời nóng quá khiến tôi cảm mấy ngày liền chưa khỏi. Lên lớp còn đỡ chứ về ký túc xá là nóng kinh người. Cả phòng phải mang chăn treo đè lên rèm cửa mới bớt nắng, bật hết ba cái quạt trong phòng mới mát được”.

Tuy vậy, có những người vẫn phải đội nắng để mưu sinh. Những nhân viên giao hàng vẫn phải lao ra đường suốt từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Người bán hàng rong miệt mài đẩy xe khắp các nẻo đường. Chị Nguyễn Thị Sang, bán chè rong trên đường Hoàng Văn Thụ, cho biết: “Đi riết dưới nắng nóng nhiều khi kiệt sức muốn xỉu. Nhưng tôi cũng chỉ ngồi nghỉ một chút, uống nhiều nước rồi đi tiếp mới bán được hàng. Chứ ngồi trong mát một chỗ riết thì ai mà mua”.

Tây Nguyên thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nắng nóng, hạn hán khiến Tây Nguyên mất trắng hơn 3.000 ha cà phê, 2.200 ha tiêu do không có nước tưới. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng khi khô hạn còn kéo dài đến tháng 6.

Đắk Lắk có khoảng 70.000 ha diện tích cây trồng thiếu nước tưới, chủ yếu là cà phê. Riêng tại huyện Ea Súp đã có hơn 200 gia súc, gia cầm chết do thiếu nước uống, thức ăn trong quá trình chăn thả. Nhiều nông dân không có khả năng giữ đàn bò qua đợt hạn nặng này đã phải bán rẻ số bò của mình. Ước tính thiệt hại do hạn hán ở Đắk Lắk gần 1.000 tỉ đồng.

Khổ sở vì nắng nóng ảnh 4

Vật nuôi của người dân tại Tây Nguyên phải mót những cây cỏ cuối cùng. Ảnh: Q.THẮNG

Trong khi đó, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết trên địa bàn tỉnh có 2.100 ha cây trồng thiếu nước. Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra đối với sản xuất nông nghiệp khoảng 93 tỉ đồng.

Tại Gia Lai, hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt. Toàn tỉnh có 7.059 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt và 13.778 hộ với 61.186 khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) bị thiếu đói.

Theo ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên thời gian tới sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt. Phải đến giữa tháng 5 khu vực Tây Nguyên mới bắt đầu vào mùa mưa.

QUỐC THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm