Khoảng trống xử lý tài sản bất minh của quan chức

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật PCTN đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, phải tiến hành sửa đổi. Một trong những số đó là chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản bất minh, tài sản không giải trình được nguồn gốc của quan chức. Tuy nhiên, tại lần sửa đổi này, nội dung xử lý tài sản bất minh của quan chức vẫn bị bỏ ngỏ…

Những quan chức giàu bất thường

Thời gian qua, các vụ việc quan chức giàu bất thường với khối tài sản khổng lồ được báo chí liên tục đưa tin. Điển hình nhất là khối tài sản của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương. Cụ thể, gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ 11,8 triệu cổ phiếu Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (Công ty Điện Quang), chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp, riêng bà Thoa nắm giữ 1,7 triệu cổ phiếu có giá trị ước tính khoảng 80 tỉ đồng. Điều đáng nói là số tài sản trên bà Thoa và gia đình có được khi bà được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phân công làm lãnh đạo Công ty Điện Quang và được Bộ giao nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp này. Sai phạm của bà Thoa đã được kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, trong đó nổi lên việc bà Thoa đã có hàng loạt vi phạm trong quá trình cổ phần hóa Công ty Điện Quang. Đồng thời, trong thời gian dài bà Thoa nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Theo đó, bà Thoa bị đề nghị mức cảnh cáo và mới đây, ngày 16-8, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định miễn nhiệm chức thứ trưởng Bộ Công Thương của bà Thoa.

Hay như trường hợp của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Ở một tỉnh nghèo, với đa phần người dân có mức thu nhập thấp, tỉnh hằng năm phải xin trợ cấp gạo của trung ương nhưng quan chức này lại sở hữu một biệt phủ hoành tráng với phòng ốc, hồ bơi tráng lệ. Giải thích nguồn gốc tài sản này trên báo chí, ông Quý cho biết có từ vay ngân hàng, mượn bạn bè và quá trình lao động “nuôi heo, buôn chổi đót” của ông và gia đình.

Khó thu hồi tài sản bất minh của quan chức

Luật PCTN hiện hành đã dành riêng một mục với tám điều (từ Điều 44 đến Điều 51) để quy định về minh bạch tài sản của quan chức. Qua tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN có khoảng 99% đối tượng phải kê khai đã kê khai, 98% kê khai đúng thời hạn nhưng hàng triệu bản kê khai mà chỉ gần 5.000 trường hợp được kiểm tra, trong đó phát hiện 17 trường hợp là kê khai chưa đúng, kết quả xử lý cũng “nhẹ nhàng”.

Dự thảo Luật PCTN sửa đổi lần này đã đưa nhiều quy định hơn về việc kê khai tài sản với 29 điều (từ Điều 38 đến Điều 66, mục 3 chương III). Đặc biệt các bản kê khai đã được quản lý tập trung hơn, tiến tới thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản của quan chức. Dự luật đã quy định rất rõ các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, có thẩm quyền xác minh tài sản và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dự luật cũng chưa đề cập đến việc xử lý tài sản bất minh, tài sản không giải trình được nguồn gốc của quan chức.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 22-9, TS Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho hay ngay cả với tài sản tham nhũng thì thu hồi được cũng rất khó khăn, thực tế thu hồi được rất ít. Còn đối với tài sản bất minh, tài sản không giải trình được nguồn gốc của quan chức thì cơ chế hiện hành “về cơ bản là không thu hồi được”. “Việc xử lý tài sản tham nhũng hiện nay đang xử lý theo quy định của BLHS. Nghĩa là phải chứng minh hành vi tham nhũng của quan chức có mối quan hệ nhân quả với tài sản của họ thì mới tịch thu được. Chứ kể cả họ có hành vi tham nhũng nhưng không chứng minh được mối quan hệ giữa hành vi tham nhũng đó với tài sản họ có được thì cũng không thu hồi được” - ông Quyền nói.

“Hiện giờ dự án luật cũng không bổ sung được cơ chế xử lý tài sản bất minh của quan chức, không phải là cơ quan soạn thảo không muốn bổ sung vào đâu, mà với điều kiện của nước ta chưa có cách khả thi nào để thực hiện việc đó cả, do nước mình chưa kiểm soát được tài sản của mọi thành viên trong xã hội, trong đó có tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Vì vậy, vấn đề xử lý tài sản bất minh của ta đang rất bế tắc. Đấy người ta cứ bảo “nuôi heo, bán chổi đót” để xây biệt phủ ở Yên Bái đó nhưng không có cơ chế để xử lý đối với tài sản đó” - ông Quyền nói.

Trung Quốc: Chi tiêu có sự khác biệt lớn, có thể bị yêu cầu giải thích về nguồn gốc

Điều 395 BLHS năm 1997 (sửa đổi, bổ sung các năm 1999, 2011) của Trung Quốc quy định về tội làm giàu bất chính: “Bất kỳ công chức nào có tài sản hoặc chi tiêu rõ ràng vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt lớn thì có thể bị yêu cầu giải thích về nguồn gốc tài sản của người đó. Nếu công chức không thể giải thích được về nguồn gốc hợp pháp của tài sản thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp của họ sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị phạt tù đến năm năm hoặc cải tạo không giam giữ, tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị tịch thu. Công chức phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài khoản ngân hàng của mình ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. Nếu ai có khoản tiền gửi ở các ngân hàng nước ngoài lớn mà không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt tù đến hai năm hoặc cải tạo không giam giữ. Trường hợp mà hành vi vi phạm ít nghiêm trọng thì công chức đó sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật bởi cấp có thẩm quyền quản lý cao hơn”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy