‘Không có ngành nào phát triển chậm như ngành dược’

"10 năm thi hành luật không có bứt phá. Hiện 90% thuốc là nguyên liệu nhập, thuốc VN mới chỉ đáp ứng được 50%”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay ở Việt Nam có đến 180 doanh nghiệp dược nhưng chủ yếu là làm công tác bào chế, không biết nghiên cứu khoa học về thuốc. Công nghệ sản xuất thuốc lạc hậu, chủ yếu mua nguyên liệu nhập về. "Tôi một lần mua gói thuốc, nhờ công an kiểm tra thì thực chất là thuốc Tây giã nhỏ, cho với bột gạo, mật ong viên lại. Nói thế để thấy rằng tình trạng là không phát triển được trong khi Trung Quốc mua về cả gốc cả rễ. Từ những con côn trùng đến cả cái cây”, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.

Theo đó Chủ tịch Quóc hội đề nghị cơ quan soạn thảo luật phải khắc phục việc quản lý thị trường Đông, Tây y từ khâu nguyên liệu cho đến chế biến, nghiên cứu khoa học để tạo điều kiện cho ngành dược trong nước cạnh tranh. Mặt khác Luật dược phải mở ra cơ hội làm ăn, kinh doanh, sản xuất cho mọi doanh nghiệp, cá nhân từ việc trồng cây thuốc, lấy nguyên liệu, chế biến, sản xuất…

“Về thủ tục đăng ký kinh doanh chúng ta đang phấn đấu 1 ngày cho đăng ký, nhưng trong ngành Dược có khi lên tới 18 tháng, liệu có tiêu cực trong đó không? Lần này tất cả quản lý nhà nước tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thuốc dễ dàng, thuận lợi. Chỉ cấm những điều này, đòi hỏi những điều kia vì ngành này liên quan đến mạng sống”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chú trọng thuốc gia truyền

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm hơn đến mảng dược liệu và thuốc cổ để tận dụng hết thế mạnh này của nước ta. Theo ông Sơn, thuốc gia truyền, rất quý. Có những bệnh Tây y bó tay, nhưng thuốc gia truyền chữa khỏi, như một số trường hợp bị rắn cắn. Nhưng những phương pháp này không có đăng ký, trong khi Luật quy định Bộ trưởng BYT công nhận mới được sử dụng, như vậy không tạo điều kiện để phát huy. “Có những thuốc gia truyền rất quý nhưng họ không nói, vậy phải làm sao để họ nói ra, nhân rộng? Dự án cũng chưa nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông y, gia truyền. Cần khuyến khích người dân có phương án chữa trị hay thì báo với cơ quan chức năng", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

BàTrương Thị Mai - Chủ nhiệm UBCVĐXH . Ảnh: Trọng Phú

Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm UBCVĐXH Trương Thị Mai cho hay:”Nguồn dược liệu ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng, kể cả các dược liệu quý hiếm, chất lượng tốt, nhưng chúng ta chưa khai thác được thế mạnh này. Nếu Việt Nam có chính sách ưu tiên đủ mạnh cho việc nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc generic, thuốc sắp hết hạn bằng sáng chế hoặc độc quyền, kể cả vắc xin, sinh phẩm y tế thì sẽ có tính khả thi cao, không những phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu”, bà Mai nói.

Cũng theo bà Mai, hiện nay nhiều nguyên liệu làm thuốc cổ truyền dạng thô của Việt Nam thì được bán cho các nước còn hầu hết các bệnh viện Y học cổ truyền lại nhập dược liệu đã chế biến mà không kiểm soát được chất lượng. Theo đó, Thường trực UBCVĐXH đề nghị dự thảo luật cần bổ sung một số quy định cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi ưu tiên phát triển thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm