Không có ‘vùng cấm’ xử lý sai phạm đầu tư công

Ngày 6-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn về các vấn đề nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.

Chống tham nhũng tác động tốt cho phát triển

Đề cập đến cuộc chiến chống tham nhũng, ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) cho rằng việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xử lý quyết liệt đã tăng thêm lòng tin của nhân dân. Vậy Chính phủ có quyết tâm như thế nào trong cuộc chiến này?

Phó Thủ tướng khẳng định đấu tranh chống tham nhũng đạt kết quả to lớn, căn bản được đồng bào cử tri cả nước và dư luận quốc tế đánh giá cao, tác động tích cực đến phát triển kinh tế.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã xử lý nhiều vụ việc, vụ án cũng như các đối tượng liên quan đến tham nhũng. “Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm những chương trình công tác của Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, kết hợp với giám sát của Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí này” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Quan tâm đến vấn đề thuốc giả, kém chất lượng gây bức xúc dư luận, ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) đề nghị cho biết giải pháp của Chính phủ trong lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng cho biết theo báo cáo của Bộ Y tế tỉ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng của thế giới trung bình khoảng 10%, của Việt Nam cỡ khoảng 2,1%. Tuy nhiên, đã xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, nhất là vụ thuốc ung thư giả Vinaca. “Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm. Vụ việc này đã được khởi tố, xử lý trách nhiệm. Chính phủ cũng đã chỉ đạo đấu thầu thuốc tập trung để góp phần quản lý được chất lượng, giảm được giá thuốc. Qua đấu thầu đã giảm được 15%-20% giá thuốc, kể cả thuốc biệt dược cũng giảm được đến 13%” - Phó Thủ tướng nói và khẳng định quan điểm Chính phủ là phải đảm bảo chất lượng và giảm được giá thuốc theo mặt bằng thu nhập chung.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  trả lời chất vấn.  Ảnh: V.LONG

Sai phạm hàng ngàn tỉ đầu tư công

ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) chất vấn, qua kiểm toán phát hiện có nhiều vi phạm trong đầu tư công, kiến nghị thu hàng ngàn tỉ đồng. Chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào?

Phó Thủ tướng cho rằng ĐB nêu thực trạng rất đúng, không ít dự án đầu tư công yếu kém, sai sót. Khi lập dự án thì chi phí đầu vào “khiêm tốn” nhưng thi công kéo dài. Cá biệt có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng đến 36 lần.

Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quyết định của Trung ương, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong chi tiêu ngân sách, trong đầu tư công.

Về sai phạm, quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Trên cơ sở kết quả của Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan chức năng sẽ xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân theo quy định; không chỉ xử lý tài chính mà có vụ chuyển qua cơ quan điều tra.

Về thể chế, Chính phủ dự kiến ban hành nghị định mới sửa đổi nghị định về đầu tư công, dự kiến ban hành trong tháng 6, đồng thời trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công trong thời gian tới.

Không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) hỏi: “Quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào về việc tăng tuổi nghỉ hưu, liệu có làm giảm cơ hội việc làm của người trẻ hay không trong khi tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang rất cao?”.

Về tăng tuổi nghỉ hưu, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến hàng chục triệu người.

Về BOT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, sớm nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội dự án luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành minh bạch dự án, về đấu thầu… Chính phủ cũng đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. 

Theo Phó Thủ tướng, giải quyết việc này phải có lộ trình chặt chẽ, không tạo sốc cho thị trường lao động. Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết Trung ương quyết định từ năm 2021 thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thận trọng và phù hợp. Sau này, khi tiến hành sửa Luật Lao động thì Quốc hội sẽ quyết định.

Về vấn đề đạo đức xuống cấp, Phó Thủ tướng cho biết đây là điều được các ĐB Quốc hội và cử tri quan tâm, kỳ họp nào cũng thảo luận nhưng kỳ này đặc biệt nhiều ĐB lo lắng kinh tế phát triển nhưng đạo đức xuống cấp. Chính phủ, Thủ tướng rất chia sẻ về lo lắng này.

Phó Thủ tướng nêu rõ Đảng và Nhà nước luôn xác định chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt nhưng phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng là trọng yếu và thường xuyên.

Cách đây 20 năm, Trung ương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Quan điểm của Đảng là đặt văn hóa ngang tầm phát triển kinh tế. Chính phủ cũng khẳng định trong phát triển kinh tế cũng bảo đảm phát triển bền vững, dựa trên ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. “Không bỏ quên xã hội, không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế” - Phó Thủ tướng nói.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, hiện nay vấn đề xã hội diễn biến phức tạp nhưng mặt tích cực vẫn là chủ đạo.

Bộ trưởng GD&ĐT nhận trách nhiệm đạo đức học đường xuống cấp

Trả lời các vấn đề đạo đức học đường xuống cấp qua nhiều vụ nhức nhối như cô giáo mầm non bạo hành trẻ em, giáo viên bắt học trò uống nước lau bảng… Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: Giáo dục mầm non đang là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc xã hội.

Ông thông tin: Cả nước có khoảng 15.000 cơ sở giáo dục mầm non với 337.000 giáo viên. Về cơ bản, các cơ sở giáo dục mầm non tốt nhưng có nhiều trường hợp giáo viên bạo hành trẻ, gây nhức nhối xã hội. “Với trách nhiệm người đứng đầu, tôi đã có những ý kiến, chỉ đạo kiên quyết những giáo viên không đủ năng lực, kém phẩm chất phải đưa ra khỏi ngành; cơ sở để xảy ra vi phạm phải đình chỉ và thậm chí phải đóng cửa” - ông Nhạ nói. Ông Nhạ cho hay để giải quyết tình trạng này cần “quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và đương nhiên phải có chế độ hợp lý”. Ông cũng đề nghị hệ thống chính trị địa phương vào cuộc giám sát để giảm thiểu các trường hợp bạo hành trẻ mầm non.

Nêu các hiện tượng giáo viên đánh học sinh, cô giáo không giảng bài, đại biểu hỏi: Phải chăng thầy cô giáo ngày nay đang phải chịu quá nhiều áp lực? Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Nhạ thừa nhận những vụ việc ĐB nêu không phổ biến nhưng “ảnh hưởng rất ghê gớm không chỉ đến ngành giáo dục mà đến thuần phong mỹ tục, đến truyền thống tôn sư trọng đạo”. Ông cho là có nhiều nguyên nhân từ xã hội, gia đình… nhưng trong đó có trách nhiệm từ khâu đào tạo, bồi dưỡng, kiểm soát, tuyển chọn một số trường hợp chưa đến nơi đến chốn, chưa thường xuyên. Dẫn đến một số thầy cô không đủ năng lực, kém về phẩm chất.

TP – VL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm