Không được phép để Hà Nội ngập như mùa mưa 2008

"Các đồng chí nói đây là trạm bơm lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng ngay cả trạm bơm lớn như Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng suýt ngập... Mùa mưa 2008, tôi xuống trạm bơm Yên Sở thì chỉ 1 tý nữa thôi là ngập lụt cả trạm bơm, không biết bơm nước đi đâu. Mình vận hành một đô thị lớn như thế này không được phép để những rủi ro kiểu như thế xảy ra”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói.

Theo đó, Bí thư Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan khớp lại tiến độ dự án trạm bơm Yên Nghĩa, xây dựng dự án theo hướng phải đáp ứng hoàn thành để tiêu nước của mùa mưa 2018.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đi kiểm tra tiến độ dự án trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Đông), một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội.

“Hà Nội đang hết sức lo lắng, lúc nào cũng mất ăn mất ngủ khi mùa mưa đến. Mỗi năm toàn thành phố khoảng 50 điểm ngập. Đô thị Hà Nội phát triển theo hướng vết dầu loang, đa số dựa vào hệ thống đô thị cũ cho nên dẫn đến quá tải, các cốt nền khác nhau tạo ra các điểm tồn đọng nước, vì thế việc tiêu úng hết sức quan trọng”, ông Hải nói.

Dẫn chứng mỗi mỗi mùa mưa đến các lực lượng của Hà Nội phải rải đi hết các nơi xử lý úng ngập, tuy nhiên vẫn có những điểm ngập “không biết thoát nước đi đâu”, Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh cần phải có những công trình tiêu úng đặc biệt để Hà Nội đủ sức chống ngập giống như trạm bơm Yên Nghĩa, và tới đây là các trạm bơm khác như Liên Mạc, Yên Thái, Đào Nguyên...

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Ngô Xuân Dụng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Trạm bơm Yên Nghĩa (Sở NNPTNT Hà Nội) cho hay dự án trạm bơm Yên Nghãi là trạm bơm tiêu úng lớn nhất của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Giai đoạn 1 của dự án (đến năm 2020) có tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, đảm bảo tiêu úng cho 6.300ha toàn bộ khu vực phía Tây của Hà Nội gồm các huyện Hoài Đức, Hà Đông, Từ Liêm (trong đó khu vực Mỹ Đình và một phần Đại lộ Thăng Long).

Cùng với các công trình đầu mối tưới tiêu khác (Trạm bơm Liên Mạc, Trạm bơm Yên Thái, Trạm bơm Đào Nguyên) đảm bảo tiêu cho 18.652ha đất tự nhiên của khu vực phát triển đô thị phía Tây Hà Nội giới hạn phía Tây sông Tô Lịch và thượng lưu cống Hà Đông, thuộc lưu vực sông Nhuệ bao gồm diện tích của quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hà Đông và các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức…

Dự kiến khu đầu mối sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão úng ngập trong năm 2018, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm