Không kỳ vọng Trung Quốc cứu hạn miền Tây

Theo ông Cường, Việt Nam không yêu cầu xả 2.000 m3/giây hay 2.190 m3/giây nhưng phía Trung Quốc cam kết sẽ xả lượng nước 2.000 m3/giây. “Chúng ta có một trạm nằm ở gần đập thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) và một trạm khác cách đó không xa sẽ giúp chúng ta biết họ có xả như cam kết không” - ông Cường nói.

Tuy vậy, chiều cùng ngày, trả lời PV, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ, nói: “Không thể kỳ vọng nhiều vào việc Trung Quốc xả nước để cứu hạn, mặn ở ĐBSCL”.

Ông Tuấn lý giải, nguồn nước này muốn đến khu vực ĐBSCL phải qua hơn 4.000 km, qua nhiều quốc gia khác. Các quốc gia này cũng đang “khát” nước nên không đảm bảo chúng ta sẽ nhận được nước từ việc xả đập của Trung Quốc.

“Theo tôi biết hồ thủy điện Cảnh Hồng - Jinghon (Trung Quốc) có dung tích tối đa là 249 triệu m3 nước. Nếu Trung Quốc xả lượng nước theo đề nghị của Việt Nam (tối thiểu 2.300 m3/giây) thì chỉ sau 30 giờ là cạn hồ. Lượng nước ở hồ Cảnh Hồng hiện nay không nhiều, còn phải đảm bảo điều tiết theo mùa, do vậy khó có thể vận hành theo ngày được” - ông Tuấn nói thêm.

PGS-TS Tuấn cũng cảnh báo nhiều cán bộ nông nghiệp và người dân hay tin Trung Quốc xả nước sẽ đẩy lùi hạn, mặn nên người dân chuẩn bị đất và mạ để gieo trồng vụ hè thu 2016. Nếu việc xả nước này chỉ có lệ hoặc ngưng hẳn sau ngày 10-4 thì nông dân sẽ “chết” tiếp. “Đôi khi không làm gì cũng là một… giải pháp. Lúa đã chết do hạn, mặn nên dù có cố cũng không thể tập trung nguồn nước để cứu hoặc chuẩn bị cho mùa liền kề. Nếu lượng nước từ Trung Quốc xả đập có đến nơi và dùng nó rửa mặn thì không khác nào xách xô nước tạt vào biển. Hạn, mặn đang khốc liệt nên chúng ta cần ưu tiên gom và trữ nước ngọt nhằm đảm bảo cho bằng được nhu cầu nước sinh hoạt của người dân” - ông Tuấn đề nghị.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng e ngại khả năng Campuchia yêu cầu thủy điện Yaly và các thủy điện khác ở Tây Nguyên của Việt Nam xả nước cho vùng Đông Bắc của họ.

Theo ông Trần Đức Cường, trước diễn biến khô hạn ở lưu vực sông Mekong, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã điều tra và xác định nhiều nguyên nhân.

Theo đó, dòng chảy từ phía thượng nguồn sông Mekong xuống ĐBSCL trong mùa khô 2015-2016 suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, dòng chảy về cửa Tân Châu và Châu Đốc giảm trên 30% so với các năm và lượng nước điều tiết tự nhiên từ Biển Hồ (Campuchia) xuống sông Mekong xem như không có. Ngoài ra, lượng mưa gần đây giảm khoảng 50%, đặc biệt mùa khô giảm 75%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm