Không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển!

Ngày 9-8, nguồn tin từ Bộ TN&MT cho biết Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan vừa có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận.

Không đổ xuống biển mà dùng để san lấp

Theo phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất, toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Đây là nơi san lấp cho khu neo trú tàu thuyền và trước đó Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã thỏa thuận, đồng ý cho dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đổ khối lượng bùn, cát nạo vét.

Bộ TN&MT đánh giá chất nạo vét phát sinh trong quá trình hoạt động của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là rất lớn, lên đến 5 triệu m3 trong khi phương án nhận chìm vật liệu này ra biển tại khu vực này rất phức tạp. Do đó cần thời gian để các nhà khoa học kiểm nghiệm và cần có các giải pháp lâu dài.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, trong đó có nhiều nơi tại huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết, thị xã La Gi bị sạt lở cần có giải pháp san lấp. Phương án mở rộng Cảng tổng hợp Vĩnh Tân cần được tiếp tục xem xét. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cần tính toán thêm các phương án khác để có thể sử dụng đổ vật liệu nạo vét, trong đó có phương án sử dụng để san lấp vào các vị trí bị xói lở, xâm thực.

Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá các mặt kinh tế, kỹ thuật để có thể sử dụng vật liệu nạo vét lấn biển, chống xâm thực. UBND tỉnh Bình Thuận cần tiếp tục nghiên cứu lựa chọn phương án sử dụng vật chất nạo vét hoặc nhận chìm ở biển đối với các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Kiến nghị Thủ tướng quyết định

Trên các cơ sở của văn bản thỏa thuận này, Bộ TN&MT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết vật chất nạo vét, nhận chìm và kiến nghị Thủ tướng giao cho các bộ, ngành có liên quan thực hiện.

Cụ thể, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng đồng ý cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất nạo vét xuống khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân trong phần diện tích mà đơn vị này đã thỏa thuận dự kiến cho đổ vật chất nạo vét của dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương trao đổi với các bên liên quan trước 15-8-2017 thống nhất được phương án để Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất vào vị trí đã nêu, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Đồng thời Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, thành lập một đơn vị quản lý, điều phối chung các hoạt động của các đơn vị tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Về giải pháp lâu dài, Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét để san lấp, lấn biển, chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt, đánh giá các mặt về cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh tế-xã hội để sử dụng vật chất nạo vét san lấp, lấn biển, chống xâm thực, sạt lở bờ biển.

Quan trọng nhất là phải kiểm soát, giám sát

Tôi rất hoan nghênh phương án mà tỉnh Bình Thuận và Bộ TN&MT đã thống nhất trong xử lý gần 1 triệu m3 bùn, cát thải từ nạo vét. Tôi rất mừng vì trước mắt Khu bảo tồn biển Hòn Cau tránh được nguy cơ xâm hại, điều mà nhiều tháng nay xã hội, các nhà khoa học hết sức lo ngại.

Tôi cũng rất mừng vì lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và Bộ TN&MT đã có sự thay đổi quan điểm quan trọng, đó là chủ trương xem chất nạo vét như một dạng tài nguyên để có những giải pháp hợp lý, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường. Khi đó, cần nghiên cứu sử dụng dạng tài nguyên này phục vụ cho chính sự phát triển của tỉnh.

Theo tôi, việc sử dụng chất nạo vét đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân có thể xem là phương án hợp lý hơn cả trong thời điểm hiện nay. Qua theo dõi, tôi biết tỉnh Bình Thuận còn cần rất nhiều loại bùn, cát này để tạo mặt bằng mới cũng như chống xói lở. Điều này có thể mở ra hướng giải quyết cho 4-5 triệu m3 bùn, cát nạo vét sau này của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân.

Tuy nhiên, tạo mặt bằng ở biển đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật rất cao, cần có trình độ chuyên môn cao và cả có tâm mới làm được. Doanh nghiệp bao giờ cũng lấy lợi nhuận làm đầu. Do đó, tỉnh Bình Thuận và Bộ TN&MT phải kiểm soát, giám sát hết sức nghiêm túc, chặt chẽ việc này.

Phương án này có thể xem là ít thiệt hại nhất cho môi trường chứ không phải là không có nhưng thiệt hại là chấp nhận được. Do đó, các cơ quan chức năng nên tăng cường trách nhiệm, khả năng chuyên môn để làm tốt chức năng kiểm soát, giám sát trong thực tiễn triển khai thì xã hội, cư dân địa phương sẵn sàng hợp tác, ủng hộ vì ai cũng muốn đất nước mình, địa phương mình hưng thịnh, phát triển.

TS NGUYỄN TÁC AN, Phó Chủ tịch Hội Khoa học
kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng
Viện Hải dương học Nha Trang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm