Không thể bó tay trước chợ tự phát

Có lẽ chưa bao giờ chợ tự phát lại nở rộ ở TP.HCM nhiều đến vậy. Gần như quận, huyện nào cũng xuất hiện loại chợ này dưới nhiều dạng: chợ xổm, chợ cóc, chợ chồm hổm,… có nơi tiểu thương chiếm những con hẻm ở các khu dân cư biến thành nơi buôn bán tấp nập như các hẻm gần khu vực chợ Bàn Cờ (phường 3, quận 3); có nơi người dân phủ cả một tuyến đường dành cho giao thông để biến thành chợ như ở đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), đường Phạm Đăng Giảng (quận Bình Tân)… Tình trạng đó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân chúng ở những khu vực này mà còn tác động không nhỏ đến các hoạt động công cộng khác và khiến bộ mặt đô thị TP lỗ chỗ những vết hằn, xéo. Điều đáng nói ở đây là định hướng dẹp chợ tự phát đã được chính quyền TP đưa ra từ rất lâu, tuy nhiên đến nay việc thực hiện gần như chỉ là bắt cóc bỏ dĩa. Trong khi đó việc này không phải quá khó đến mức không có cách để chính quyền cứ mãi giẫm chân như thời gian qua. Từng địa bàn đã có những chuyển động tích cực và quyết liệt thiết lập lại trật tự đô thị.

Chợ 10 năm, giải quyết một tháng

Gần 10 năm trước, chợ tự phát ở hẻm C9, ấp 4A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh mọc lên và bắt đầu tràn ra lấn chiếm lòng, lề đường Phạm Hùng và đường Nguyễn Văn Linh. Ông Nguyễn Hữu Thành Tâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết tới thời điểm đầu năm 2013 đã có tới 200 tiểu thương buôn bán tại chợ tự phát này. “Việc buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường của chợ này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình lưu thông trên hai tuyến đường nói trên. Không những thế còn gây mất trật tự, vệ sinh môi trường và đời sống của các hộ dân xung quanh cũng bị ảnh hưởng” - ông Tâm cho hay.

Để xử lý điểm nóng này, đầu năm 2013, lãnh đạo xã Bình Hưng đã trình huyện Bình Chánh về việc xây dựng chợ tạm cách khu vực chợ tự phát không xa để bố trí cho bà con tiểu thương vào chợ buôn bán. Khu chợ tạm được thiết kế có bục, bệ để kinh doanh, chỗ gửi xe, tập kết rác, thuận tiện cho cả người mua và người bán. “Nhu cầu buôn bán kinh doanh của bà con là có thật, do đó muốn giải tỏa thì phải có chỗ mới thay thế, nếu không việc tái chiếm sẽ tiếp diễn. Căn cơ là phải giải quyết được chỗ buôn bán mới cho bà con” - ông Tâm chia sẻ.

Chợ tự phát Phạm Đăng Giảng lúc nào cũng đông đúc, giao thông rất khó khăn và quận Bình Tân đã lên kế hoạch thiết lập lại trật tự trong thời gian tới. Ảnh: Xuân Ngọc

Ông Tâm cho hay sau khi xây xong chợ tạm, xã đã phát thông báo cho các tiểu thương về việc di dời và bốc thăm chọn vị trí buôn bán tại chợ mới. Chỉ trong vòng một tháng, việc di dời các tiểu thương vào chợ tạm đã hoàn thành, trả lại sự thông thoáng cho lòng, lề đường của tuyến Nguyễn Văn Linh và Phạm Hùng. “Điều quan trọng là thời gian đầu vừa phải thực hiện song song việc bố trí các tiểu thương vào chợ tạm, vừa phải chốt chặn theo dõi thường xuyên và xử lý quyết liệt những trường hợp vi phạm để không xảy ra tình trạng tái chiếm” - ông Tâm chia sẻ.

“Đủ quyết tâm thì dẹp được ngay”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, nói: “Dẹp chợ tự phát là không khó”. Ông Bình cho hay trong năm điểm bị chiếm thành chợ tự phát triển địa bàn quận thì chính quyền đã thiết lập lại trật tự ở hai điểm là khu vực chợ tự phát gần Công ty Pouyuen (phường Tân Tạo) và khu vực gần chợ Bà Hom (đoạn lộ Tẻ, đường số 5, phường Tân Tạo A). Hiện quận đã lên kế hoạch cụ thể để tiếp tục lập lại trật tự, sắp xếp lại ba điểm chợ còn lại là chợ tự phát ở đường Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo), đường Đất Mới (hai phường Bình Trị Đông và Bình Trị Đông A) và chợ tự phát Phạm Đăng Giảng (phường Bình Hưng Hòa).

Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc chấn chỉnh, lập lại trật tự ở chợ tự phát, ông Bình cho hay cùng với việc tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để bà con sắp xếp công việc của mình trước khi chính quyền tiến hành thiết lập lại trật tự thì điều quan trọng là sau đó phải bố trí đủ lực lượng chốt chặn, giải tỏa, kiểm tra, xử lý thường xuyên tình trạng tái chiếm, buôn bán gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường để tạo ra một thói quen mới. Bên cạnh đó phải gắn trách nhiệm với người quản lý công ty, cơ quan, chủ đầu tư khu dân cư để họ góp phần tuyên truyền vận động công nhân, nhân viên của mình, người dân hiểu và thực hiện. “Muốn dẹp một chợ tự phát thì chỉ cần chính quyền đủ lực lượng, đủ quyết tâm thì dẹp được ngay” - ông Bình nói. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng muốn dẹp chợ tự phát một cách triệt để hơn thì cần phải có giải pháp căn cơ làm sao để không tái lập việc chiếm đường làm chợ mà vẫn giải quyết được nhu cầu làm ăn, sinh sống của bà con. Theo ông Bình, tại các nơi đã dẹp chợ tự phát, quận cũng xem xét cho một số người dân có đất trống, cho chuyển mục đích để các tiểu thương thuê tập trung buôn bán phù hợp, giải quyết nhu cầu cấp thiết. Đồng thời, tại đó quận sẽ tập huấn cho lập các tổ tự quản thực hiện công tác quản lý tình hình buôn bán bảo đảm trật tự, an toàn.

Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM), cũng cho biết từ việc thiết lập lại trật tự ở chợ tự phát trên đường số 6, khu phố 2, địa phương đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để xử lý các chợ tự phát còn lại tốt hơn. Theo ông Tú, đầu tiên là phải quán triệt anh em làm quyết liệt không để xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”. Tiếp đến là phải huy động tất cả lực lượng từ chính quyền đến đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động thật dài lâu để cho người dân hiểu rõ về những thiệt hại do chợ tự phát gây ra. Đồng thời, tiến hành vận động các tiểu thương vào các chợ hợp pháp gần đó buôn bán. “Sau khi tất cả biện pháp trên được tiến hành mà người dân vẫn còn vi phạm thì chính quyền sẽ cưỡng chế, xử phạt để chấm dứt tình trạng tái chiếm đường làm chợ” - ông Tú chia sẻ.

V.HOA - A.NHÂN - T.THANH

 

TS NGUYỄN MINH HÒA, Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM:

Cần có đề án nghiên cứu để xử lý chợ tự phát phù hợp

Bấy lâu nay việc giải quyết vấn đề chợ tự phát ở TP.HCM vẫn được thực hiện nhưng hiệu quả mang lại rất ít. Có vẻ như việc dùng các biện pháp hành chính không phải lúc nào cũng khả thi. Tôi cho rằng chính quyền địa phương không nên có tư duy là phải dẹp bỏ loại chợ này mà phải thừa nhận nó như một phần của đời sống đô thị. Nên chấp nhận nguyên lý cả hai cùng có lợi thay vì chính quyền và bà con tiểu thương ở thế đối kháng nhau. Nếu chính quyền cứ nhất nhất phải dẹp bằng các biện pháp hành chính có phần cứng nhắc và nếu người dân cứ nhân danh mình là người nghèo để bất chấp pháp luật thì vấn đề sẽ rất khó giải quyết. Thực tế đã từng xảy ra không ít trường hợp người dân phản ứng cực đoan khi bị “triệt đường sinh sống” đã xung đột gay gắt với lực lượng chức năng. Cạnh đó, một thực tế khác là chính quyền cũng rất ít khi đối thoại với người dân, nếu có cũng mang tính hình thức nên giữa hai đối tượng này thường không có sự chia sẻ và ít có tiếng nói chung.

Phải ứng xử như thế nào với chợ tự phát? Tôi cho rằng TP cần có đề án nghiên cứu cụ thể về đề tài này. Vì mỗi khu vực hình thành chợ tự phát có những đặc điểm khác nhau, nội thành khác, ngoại thành khác. Nghiên cứu, phân tích được đặc điểm riêng và phân ra từng loại mới có cách ứng xử đúng chứ không thể dùng một cách ứng xử cho tất cả chợ tự phát ở trên toàn TP. Khi đã có những nghiên cứu hoàn chỉnh thì cần tiến hành thí điểm để nhân rộng cho các khu vực khác

VIỆT HOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm