Báo cáo nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ và Thủ tướng:

Kiềm chế được lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội

Chiều 24-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)đã cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đa số đánh giá cao kết quả đã đạt được của Chính phủ, Thủ tướng trong nhiệm kỳ đặc biệt là công tác ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lo lắng trước tình trạng tham nhũng, lãng phí, “rào cản hành chính”… 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại buổi họp cho ý kiến báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TP

17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định điểm lại một số điểm đáng chú ý như kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối; thực hiện có kết quả bước đầu các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…

“Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm năm 2011-2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chín chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra” - ông Định nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá: “Ngay đầu nhiệm kỳ, tình hình đất nước vô cùng khó khăn, nhất là kinh tế vĩ mô, có nhiều đánh giá không thuận lợi cho điều hành Chính phủ. nhưng sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 (ngày 24-2-2011) về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Với nghị quyết này, chúng ta đã có thay đổi lớn trong điều hành, với đầy đủ các hệ thống chính sách, được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao”.

Sợ nhất chi phí gầm bàn

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho hay: Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tuy nhiên đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”. Bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh... tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao… gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.

“Báo chí đưa nhà đầu tư Nhật sợ nhất là chi phí gầm bàn, trong khi ta kêu gọi làn sóng đầu tư mới mà để nhà đầu tư nói thế thì phản cảm hiệu quả chính sách” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng về hậu quả của tham nhũng, rào cản hành chính đã khiến môi trường đầu tư của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Nếu năm 2011 có 54.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động thì đến nay con số đó là 71.391. Tình trạng này do tất yếu hay do chính sách? Nhiệm kỳ tới tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính. Theo tôi, mắt xích lớn nhất là con người, nằm ở bộ máy công quyền. Nước ngoài họ đã thừa nhận chính sách chúng ta minh bạch rồi, đủ công khai rồi” - ông Giàu nói.

Bên cạnh đó, các ý kiến tại Thường vụ cũng đề nghị báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các vấn đề như tình trạng khoảng cách giàu nghèo gia tăng khiến bất ổn xã hội; chiến lược phát triển kinh tế biển, nâng cao đời sống ngư dân gắn với bảo vệ chủ quyền; thu hút đầu tư hạ tầng xã hội; chiến lược về nhân lực chất lượng cao…

Thay mặt cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ trân trọng, lắng nghe tiếp thu các ý kiến để xử lý, giải quyết những bất cập trong thời gian tới.

Tháng 3 phải trình Luật Biểu tình

Sáng 24-2, trong phiên họp thứ 45, UBTVQH đã bàn thảo về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 11 sẽ diễn ra vào cuối tháng 3-2016. Đặc thù của kỳ họp lần này chủ yếu tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, song bên cạnh đó, QH cũng sẽ xem xét, thông qua bảy dự án luật nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Các đại biểu băn khoăn chưa đầy một tháng nữa kỳ họp thứ 11 sẽ diễn ra nhưng nội dung của Luật Biểu tình vẫn chưa được phía Chính phủ đưa vào chương trình làm việc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chương trình lập pháp của QH…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định: “Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp tổng kết, làm một số việc cần thiết. Ta đã đồng ý Luật Biểu tình vẫn phải đảm bảo tinh thần này, Bộ Chính trị đã đồng ý và UBTVQH cũng quyết rồi”. Theo đó, ông Lưu đề nghị nên giữ như kế hoạch là kỳ họp thứ 11 sẽ cho ý kiến về dự án Luật Biểu tình.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng Bộ Chính trị, chủ tịch QH đã có ý kiến nên không có lý do gì không nghe. “Việc chuẩn bị chưa xong thì tiếp tục phối hợp giữa các bên để thực hiện đúng nội dung chương trình như kết luận của chủ tịch QH tại đầu phiên họp thứ 45 của UBTVQH” - bà Tòng Thị Phóng nói.

Tiêu điểm

Chính sách xã hội rất mạnh mẽ

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng nhiệm kỳ qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã “chuẩn bị những chính sách xã hội rất mạnh mẽ” và nó sẽ góp phần “định hình bước đi của xã hội Việt Nam trong nhiệm kỳ mới”. Trong đó là sự hình thành của thị trường lao động, các chính sách, luật về lao động việc làm, an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương… 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy