Kỷ lục 149 người được giải oan ở Mỹ trong năm 2015

Cơ quan Đăng ký Giải oan Quốc gia (NRE) – do đại học luật Michigan (Mỹ) thành lập, chuyên thống kê các trường hợp được giải oan ở Mỹ.

Báo Huffington Post (Mỹ) dẫn một báo cáo của NRE công bố ngày 3-2 cho thấy năm 2015 có đến 149 người được giải oan ở Mỹ, con số kỷ lục so với các năm. Con số này nhiều hơn 10 người so với năm 2014 (139 người), nhiều hơn gấp đôi so với năm 2005 (61 người).

Thời gian trung bình 149 người này phải ở trong tù đến khi được giải oan và trả tự do là 14,5 năm. Một số người thậm chí đã bị cáo buộc giết người. Một số người bị buộc tội khi chưa tới 18 tuổi.

Theo Giáo sư Samuel Gross tại đại học luật Michigan soạn thảo báo cáo, đây là con số rất lớn mà không bao giờ nên có.

Lợi dụng quyền hạn chức vụ gây nên án oan

Khoảng 40% các trường hợp được giải oan trong năm 2015 là do bộ phận điều tra lợi dụng quyền hạn chức vụ gây ra án oan, tỷ lệ kỷ lục trước nay. Cá biệt, 75% những người bị kết tội giết người oan là do bộ phận điều tra lợi dụng quyền hạn chức vụ.

Bà Debra Milke phải ngồi tù oan 26 năm. (Ảnh: HUFFINGTON POST) 

Cô Debra Milke bị buộc tội âm mưu cùng hai người đàn ông khác bắn con mình từ sau đầu để lấy tiền bảo hiểm. Tòa buộc tội cô phần lớn dựa vào lời khai của một cảnh sát hiện đã về hưu. Viên cảnh sát này khai rằng cô Milke đã đề nghị quan hệ tình dục với ông trong quá trình thẩm vấn và thừa nhận giết người. Cuộc thẩm vấn đó không có băng ghi âm. Nhưng cô Milke vẫn bị buộc tội và vào tù dù khẳng định mình oan.

Trong thời gian đó, luật sư của cô Milke liên tục làm đơn kháng cáo, cho rằng viên cảnh sát này không đáng tin vì có một quá trình dài lợi dụng chức vụ. Trong một lần kháng cáo, tòa đồng ý với lý lẽ và chứng cứ của luật sư, bác bỏ tội danh giết người cho cô Milke. Đến thời điểm được trả tự do, cô đã ngồi tù 26 năm.

Nhận tội sai trước cơ quan điều tra

Gần 20% vụ được giải oan bị kết tội vì lời nhận tội giả, cũng là tỷ lệ kỷ lục. Nhiều nhất là dạng án giết người, người bị kết án oan thường dưới 18 tuổi, hoặc hạn chế về trí tuệ, hoặc cả hai.

 Anh Bobby Johnson được trả tự do ngày 4-9-2015 sau chín năm ngồi tù oan. (Ảnh: HUFFINGTON POST)

Năm 2007, anh Bobby Johnson chỉ 16 tuổi và chỉ số IQ có 69 – mức hạn chế về trí tuệ, thừa nhận tội giết người trong lúc không có bố mẹ hay người giám hộ bên cạnh. Anh nhận mức án 38 năm tù. Đến năm 2015, một luật sư đưa ra bằng chứng hai người phỏng vấn anh đã cưỡng ép anh nhận tội. Luật sư này cũng cáo buộc cảnh sát đã cố tình lờ đi chứng cứ cho thấy vụ giết người này có liên quan đến hai vụ giết người khác nữa, mà thủ phạm là cùng một người. Tính ra đến ngày được tự do, anh Bobby Johnson đã ngồi tù chín năm.

Một phân tích độc lập hàng trăm ca án oan từ năm 1989 của tổ chức phi lợi nhuận Innocence Project cho thấy, nhận tội giả là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến kết tội sai (chiếm 31%, riêng đối với án oan giết người thì chiếm tới 63%).

Nhận tội sai trước tòa

Theo báo cáo của NRE, số người nhận tội sai trước tòa tăng đều trong bảy năm qua, và riêng hai năm gần đây thì tăng rất nhanh. Hơn 40% người được giải oan trong năm 2015 bị buộc tội và kết án căn cứ vào lời nhận tội của họ trước tòa. Phần lớn là các vụ án liên quan đến ma túy, một số vụ liên quan giết người.

Anh Shawn Whirl (giữa) cùng mẹ (phải), vợ và luật sư trong ngày được trả tự do sau 25 năm ngồi tù oan. (Ảnh: AP) 

Trong một phiên toà năm 1991, dù anh Shawn Whirl cho biết anh phải thừa nhận tội giết tài xế taxi Billy Williams để cướp của vì bị cảnh sát bang Chicago tra tấn nhưng công tố viên vẫn tuyên bố sẽ tìm cách cho anh nhận án tử. Anh Shawn Whirl sau đó phải một lần nữa thừa nhận mình giết người và cướp của để mong thoát án tử. Kết quả anh nhận 60 năm tù giam dù sau đó nói lại trước tòa rằng anh bị oan.

Đến năm 2012 khi cảnh sát Chicago bị điều tra nghi ngờ tra tấn nghi can thì chứng cứ anh Shawn Whirl từng bị họ tra tấn được phát hiện. Vụ án được lật lại và anh Shawn Whirl được trả tự do vào ngày 13-10-2015.

Bị kết án oan vì lời khai dối của người khác

Một tỷ lệ lớn người được giải oan trong năm 2015 từng phải ngồi tù cho những vụ án mà mình không hề liên can, chủ yếu liên quan đến ma túy, giết người, và phá hoại.

Hai ông William Vasquez (giữa) và Amaury Villalobo (trái) được tòa tuyên hủy bỏ các tội danh giết người, ngày 16-12-2015. (Ảnh: HUFFINGTON POST) 

Năm 1981, ba người đàn ông Raymond Mora, Williaam Vasquez và Amaury Villaobo bị tòa tuyên sáu tội giết người. Sự việc bắt đầu từ một đám cháy ở một tòa nhà giết chết một người mẹ cùng năm người con. Chủ tòa nhà khai rằng bà ta thấy ba người đàn ông này đi từ tòa nhà ra ngay trước khi đám cháy xảy ra, một cảnh sát cứu hỏa khai rằng đám cháy là do phá hoại. Tòa kết án ba người đàn ông này dựa vào những lời khai đó, mỗi người nhận 25 năm tù giam.

Ông Mora chết trong tù năm 1989, ông Vasquez bị mù vì bệnh tăng nhãn áp không được chữa trị. Năm 2012, hai ông Vasquez và Villalobos được ân xá tự do và quyết định tìm cách giải oan. Vụ án được lật lại, bằng khoa học hiện đại các chuyên gia xác định nguyên nhân vụ cháy không phải do phá hoại như lời khai của viên cảnh sát lúc trước. Người chủ tòa nhà trước khi chết cũng thừa nhận bà ta nói dối thấy bốn người đàn ông đi ra khỏi tòa nhà lúc nó sắp cháy để được hưởng tiền bảo hiểm.

Các tội danh giết người tuyên cho bốn người đàn ông này được dỡ bỏ vào tháng 12-2015.

Báo cáo của NRE nhận định, con số kỷ lục 149 người được giải oan trong năm 2015 cho thấy hệ thống tư pháp Mỹ có vấn đề về cơ bản, và số người bị kết án oan mà chưa được giải oan còn lớn hơn rất nhiều.

Vậy ở Mỹ có bao nhiêu vụ án oan? Dựa vào nhiều nghiên cứu, tổ chức Innocence Project ước tính khoảng từ 2%-5% người phải ngồi tù ở Mỹ không hề phạm tội. Hiện Mỹ có khoảng hai triệu phạm nhân, vậy tính ra con số người phải ngồi tù oan lên đến hàng chục ngàn người. Cá biệt, tỷ lệ án oan ở các tội danh giết người là 1/25.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm