Làm chính sách mà hợp thức hóa tiêu cực là không được!

Chiều 29-10, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Trong đó, vấn đề xóa nợ thuế cho DNNN đã được các đại biểu làm nóng cuộc họp với những tranh luận thẳng thắn, đặc biệt là tại đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết theo quy định nêu ra trong dự thảo, Chính phủ đề xuất xóa nợ thuế cho ba đối tượng DNNN. 

Thứ nhất, DNNN có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN thì được xem xét xóa nợ thuế ở mức để giá trị thực tế vốn nhà nước tại DN đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại DN. 

Thứ hai, DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị DN để cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê, cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của DN và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này.

Thứ ba, DNNN đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh mà nguồn tài chính còn lại không đủ để thanh toán nợ thuế theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ông Ngân đồng tình với đề xuất xóa nợ thuế cho nhóm 2 và 3 bởi đây là những DNNN đã được cổ phần hóa, bán vốn rồi không nên hồi tố. Tuy nhiên, đối với nhóm 1 thì không nên xóa nợ thuế bởi điều này dẫn đến không bảo đảm cạnh tranh công bằng của DN, trái với quy định của Hiến pháp là tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, DN theo quy luật thị trường.

"Bộ Tài chính và Chính phủ cần làm rõ số tiền xóa nợ là xóa bao nhiêu và cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo DNNN, các đại biểu mới đưa ra quyết định được" - ông Ngân nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại  biểu Trần Du Lịch lại cho rằng ngoài xóa nợ thuế cho nhóm 2 và 3 thì cũng nên xóa nợ cho nhóm 1. "Việc xóa nợ thuế cho nhóm 1 là thủ thuật tài chính sổ sách để Nhà nước bán vốn thuận tiện hơn bởi các DN này đã bị âm vốn chủ sở hữu thì không ai mua nữa" - ông Lịch nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lịch, cần phải tách bạch chuyện xóa nợ thuế với xem xét trách nhiệm quản lý. Nếu phát hiện lãnh đạo DN sai sót thì xử lý theo quy định hiện hành. DN thua lỗ cũng là chuyên bình thường trong kinh doanh, kể cả DN tư nhân cũng vậy. Xóa nợ thuế là một việc nên làm để tạo điều kiện cho DNNN cổ phần hóa.

Ngay lập tức, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm ngắt lời: "Kinh doanh thua lỗ nhưng sếp DNNN lương vẫn cao đấy thôi! Nếu đồng ý xóa nợ thuế liệu có lợi ích nhóm không?"

Ông Lịch nói: Tôi nghĩ số tiền xóa nợ thuế của các DNNN này rất nhỏ.

Bà Quyết Tâm hỏi tiếp: Theo anh Lịch, nhỏ là bao nhiêu? Tôi không đồng ý với quan điểm này, xóa nợ, bán cổ phần rồi làm sao truy được trách nhiệm lãnh đạo DNNN đó. Theo tôi, Quốc hội cần làm rõ chỗ này, giám sát trách nhiệm của lãnh đạo DNNN để xảy ra thua lỗ, nợ thuế. 

"Chúng ta phải truy trách nhiệm trước rồi hãy tính đến vấn đề xóa thuế. Nếu theo phương án anh Lịch nói thì tôi không hiểu được, cử tri sẽ không hiểu. Quốc hội là cơ quan ban hành các chính sách nhưng làm chính sách mà hợp thức hóa tiêu cực là hổng được! Làm một đồng mà anh chi 10 đồng, gây thất thoát, giờ xin xóa thuế?" - bà Quyết Tâm bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm