“Loạn” khu - cụm công nghiệp: Nhiều hệ lụy!

Phong trào xây dựng khu công nghiệp - cụm công nghiệp (KCN-CCN) ở ĐBSCL ngày càng bộc lộ nhiều hệ lụy, rõ nét nhất là khủng hoảng lao động, nguy cơ ô nhiễm môi trường trên diện rộng và xung đột lợi ích giữa chính quyền với người dân bị thu hồi đất.

Khủng hoảng lao động

Khi quy hoạch xây dựng các KCN-CCN, địa phương nào cũng lập luận: Các KCN-CCN là nơi giải quyết công ăn việc làm ổn định với thu nhập cao cho lao động địa phương. Thực tế chứng minh ngược lại, bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư nhà máy vào các KCN-CCN đang đau đầu với việc khủng hoảng thiếu lao động triền miên.

Bến Tre hiện đang có hai KCN hoạt động. Các DN ở đây đang cần thêm 4.000 lao động, chạy đôn chạy đáo khắp nơi vẫn không có người làm. Năm 2011-2012, các DN sẽ cần 5.000-7.000 lao động cũng chưa biết tìm đâu.

Ở Tiền Giang, trong hai năm tới, các DN may mặc, chế biến thủy sản có nhu cầu tuyển dụng hơn 42.000 lao động nhưng không biết tìm đâu nguồn cung ứng. Nhiều DN phải cử người về các vùng nông thôn, sang các địa phương lân cận để tìm kiếm lao động nhưng nguồn cung vẫn không đủ cầu.

“Loạn” khu - cụm công nghiệp: Nhiều hệ lụy! ảnh 1

Tuyến công nghiệp Cổ Chiên ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) sau nhiều năm vẫn là đám đất bỏ hoang cho cỏ mọc. Ảnh: HÙNG ANH

Tại Long An, các DN đang có nhu cầu tuyển dụng thêm hơn 30.000 lao động. Hiện tình trạng thiếu lao động trầm trọng đến mức nhiều DN ở các ngành may mặc, giày da phải đưa người xuống tận các xã vùng sâu để tìm kiếm nguồn lao động, nhờ “cò” đi tìm người…

Ô nhiễm môi trường, xung đột lợi ích

Theo khảo sát của Sở Công Thương 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đến cuối năm 2010 trong 43 KCN, 119 CCN đã đầu tư kết cấu hạ tầng và cho thuê, số KCN-CCN có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường bên ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ô nhiễm môi trường từ các KCN-CCN đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Các KCN-CCN tiếp tay xả vào môi trường sống của người dân ĐBSCL hơn 50 triệu m3 nước thải công nghiệp (trong đó, 70% chưa qua hệ thống xử lý nước thải) và hơn 220.000 tấn rác thải công nghiệp/năm.

Trong sáu tháng đầu năm 2011, tại Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ…, người dân liên tiếp khiếu nại việc KCN-CCN xả nước thải, khí thải, mùi hôi gây ô nhiễm môi trường. Trong một hội thảo về phát triển công nghiệp gần đây, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo ĐBSCL đang đối mặt với hai “đại nạn”: nước biển dâng do biến đổi khí hậu và ô nhiễm công nghiệp gia tăng.

Một hệ lụy khác đang ngày càng gay gắt hơn là xung đột lợi ích giữa chính quyền, nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất đai. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Long An, nói việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo công ăn việc làm, xây dựng khu tái định cư cho người dân bị mất đất để xây KCN-CCN đang là vấn đề rất nóng vì liên quan đến đời sống của hàng trăm ngàn người. Nhiều dự án đầu tư kéo dài dẫn đến tình trạng người dân không thể giao dịch chuyển nhượng tài sản là nhà, đất; đất đai bỏ hoang hóa vì không dám đầu tư sản xuất, nhà cửa hư hỏng, xuống cấp, mục nát nhưng không thể sửa chữa… Việc áp giá bồi hoàn, chi trả tiền cho người bị mất đất không sòng phẳng, dẫn đến khiếu kiện kéo dài gây mất ổn định xã hội.

Không cho xây KCN thì xây… CCN

Không thể xin Chính phủ cho xây KCN, nhiều tỉnh ĐBSCL đã tự quy hoạch, xây dựng các CCN. Đua nhau xây CCN chưa đủ, nhiều tỉnh còn “đẻ” ra một hình thức hạ tầng công nghiệp mới là “tuyến công nghiệp”.

Đến hết năm 2010, ĐBSCL có 214 CCN (do chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng) đã có quyết định phê duyệt quy hoạch với diện tích gần 19.000 ha. Sau khi lập quy hoạch, chấp thuận dự án đầu tư xây CCN của DN, nhiều tỉnh đã “ngậm bồ hòn làm ngọt” nhìn đất đai bỏ hoang vì nhà đầu tư thiếu năng lực hoặc chỉ lập dự án để “xí đất”.

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm