Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện quyền con người

Đó là nhận định của ông Bùi Thanh Hà, Phó ban Tôn giáo Chính phủ, khi nói về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua.

Ngày 12-12, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức công bố lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Đấu giá tài sản; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Tại cuộc họp, ông Bùi Thanh Hà, Phó ban Tôn giáo Chính phủ, đánh giá Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới so với pháp lệnh trước đây, thể hiện đầy đủ quyền của con người về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, luật có 12 điểm mới căn bản so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Đáng chú ý, chủ thể của luật đã được điều chỉnh. Nếu trước đây trong pháp lệnh là công dân thì nay mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Sự thay đổi là để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của con người chứ không phải quyền công dân như trước đây.

Điều này thể hiện rõ khi luật dành hẳn một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Chương II), đảm bảo tốt nhất quyền của tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động của tổ chức tôn giáo.

Nhằm tránh can thiệp vào một số việc mang tính nội bộ của các tổ chức tôn giáo, luật quy định việc phong phẩm là việc nội bộ của tổ chức tôn giáo.

Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, chủ thể được thực hiện quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung dành cho không chỉ tín đồ thuộc tổ chức tôn giáo, người theo tôn giáo thuộc tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo mà nhóm người theo tôn giáo nhưng chưa có tổ chức cũng được thực hiện.

Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả mọi người chứ không được xem là một bước để tiến tới đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã thể hiện rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người; quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm