Luật về hội: Cơ quan soạn thảo xin dời lại

Quốc hội (QH) đã dành toàn bộ thời gian của ngày làm việc thứ năm (25-10) để thảo luận dự án Luật về hội. 49 đại biểu (ĐB) đã nêu ý kiến về dự án luật này tại phiên thảo luận (trong tổng số 60 ĐB đăng ký). Cục diện phân ra thành hai luồng quan điểm khá rõ, một bên ủng hộ dự luật, bên còn lại (chiếm ưu thế hơn) bày tỏ nhiều băn khoăn và đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp này để hoàn thiện thêm.

Nợ mấy mươi năm rồi, nên cần thiết phải ban hành luật

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với việc ban hành Luật về hội. Bởi theo ông Phương, Hiến pháp 1946, 1980, 1992, đặc biệt Hiến pháp năm 2013 quy định rõ “công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình”.

Mặc khác, theo ông Phương, Nghị định 45/2010 về tổ chức hoạt động và quản lý hội còn nhiều bất cập. Trong khi đó “nhu cầu thành lập hội thì nhiều nhưng trông chờ vào kinh phí hỗ trợ của Nhà nước làm tăng gánh nặng trong ngân sách” - ông Phương nói và cho rằng: “Nhiều hội hoạt động hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của hội viên. Vì vậy cần ban hành Luật về hội để đảm bảo quyền thành lập hội của công dân”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại phiên thảo luận ngày 25-10 đã xin QH cho thêm thời gian hoàn thiện dự án Luật về hội. Ảnh: TTXVN

Nội dung còn quá nhiều tranh cãi

Tuy vậy, đa phần các ý kiến khác đều cho rằng cần có thêm thời gian hoàn thiện dự thảo vì còn quá nhiều ý kiến khác biệt, cũng như dự thảo luật chưa đáp ứng được thực tế. Chẳng hạn, với quy định một trong những điều kiện, dấu hiệu để xác định hội là được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu hội, các ĐB cho rằng điều này là không thỏa đáng vì thực chất đây là nhiệm vụ quản lý của Nhà nước chứ không phải điều kiện để công nhận hội.

Vấn đề liên kết, nhận tài trợ, viện trợ của nước ngoài cũng được các ĐB hết sức quan tâm. ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói: Quy định hiện hành (khoản 12 Điều 23 của Nghị định 45) cho phép hội được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nay luật không cho phép thì biết xử lý như thế nào. “Đa số các hội được lập ra không chủ động được về mặt kinh phí nên nếu không có sự huy động hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài thì việc duy trì hoạt động cũng có thể gặp những khó khăn nhất định” - ông Cương nói.

Trước hàng loạt phân tích về các quy định chưa phù hợp của dự thảo, ĐB Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng khi còn nhiều ý kiến khác nhau thì ban soạn thảo nên tiếp tục lấy ý kiến, khi chín muồi QH mới thông qua. “Cần tránh tình trạng sau khi có luật thì tình hình phức tạp hơn” - ông Cường nêu ý kiến.

ĐB Dương Trung Quốc thì cho rằng: “Khi chúng ta bàn chi tiết từng điều luật tức là chúng ta đang giằng xé giữa quyền của người dân và yêu cầu đảm bảo sự ổn định. An toàn là cần thiết, chế tài để ngăn chặn tiêu cực là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất lại là quyền lập hội của con người”.

Ông Quốc đề nghị phải gọi chính xác tên của luật là Luật về quyền lập hội, bởi điều đó sẽ giúp các ĐB không sa đà vào những vấn đề kỹ thuật.

Xin thời gian hoàn thiện thêm

Mãi đến gần 17 giờ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại diện cơ quan soạn thảo, mới có thời gian để phát biểu giải trình.

Tiếp thu ý kiến khác biệt, chưa đồng thuận của các ĐB, Bộ trưởng Tân cho hay do sự chuẩn bị chưa đầy đủ, cơ sở dữ liệu chưa đủ cho các ĐB nghiên cứu.

Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Tân đề nghị QH cho thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh dự thảo để có sự đồng thuận cao trong xã hội, đối với các đối tượng bị điều chỉnh của luật và các ĐBQH. “Đề nghị QH xem xét cho ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo và thông qua dự luật trong kỳ họp sau” - ông đề xuất.

Phát biểu tạm kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho hay Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của ĐBQH, cũng như ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình chuẩn bị dự án Luật về hội.

“Ủy ban Thường vụ QH sẽ có văn bản báo cáo trước QH trong phiên họp tới đây với tinh thần chuẩn bị một luật tốt về hội, đảm bảo chất lượng, bảo đảm quyền lập hội của công dân và yêu cầu quản lý nhà nước” - ông Lưu khẳng định.

Còn nặng về quản lý, chưa thể hiện rõ quyền của công dân

Luật về hội: Cơ quan soạn thảo xin dời lại ảnh 2

Theo ý kiến của nhiều ĐB thì dự thảo này nặng về quản lý nhà nước chứ chưa thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp về quyền lập hội của công dân. Nên về cả nội dung và thủ tục đều còn nhiều vấn đề.

Chẳng hạn như thủ tục thành lập hội rất rườm rà. Các nội hàm của quyền lập hội chưa được làm rõ. Qua đây người ta mới thấy quyền lập hội của công dân mới chỉ quan tâm đến góc độ cá nhân chứ chưa quan tâm đến các tổ chức. Chẳng hạn nếu căn cứ theo dự thảo này thì các tổ chức thành viên của một số liên hiệp, liên minh không có chỗ đứng, mà đây là những hội đã có chỗ đứng vững chắc, có tầm ảnh hưởng đối với xã hội.

Tôi cho rằng nếu đảm bảo được đầy đủ nội dung và hình thức, chất lượng của đạo luật cao thì mới được thông qua. Sau sự cố của BLHS 2015, tôi cho rằng QH cần phải thẩm định kỹ càng, chỉ thông qua những đạo luật có chất lượng cao. Chất lượng ở đây không phải chỉ là câu chữ của luật, mà quan trọng nhất là nội dung điều chỉnh của luật phải phúc đáp được những yêu cầu của xã hội.

ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG, Bến Tre

Phải mạnh dạn giao quyền và cơ chế cho hội

Theo tôi, phải tin tưởng giao quyền và cơ chế thì mới hy vọng phát huy được vai trò của hội, từ đó mới bớt được gánh nặng cho quản lý nhà nước và tăng hiệu quả hoạt động của các hội.

ĐB PHẠM KHÁNH PHONG LAN, đoàn TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm