Mặt trận tìm cách trị 'bệnh hành chính hóa'

Ngày 28-12, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nhận diện để khắc phục những biểu hiện hành chính hóa trong công tác Mặt trận”. Nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của những người từng là lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã được đưa ra.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói: "Cán bộ vẫn chưa nghe dân nói, nói cho dân nghe, làm cho dân tin...".

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng trong Mặt trận có hiện trạng bệnh hành chính đi liền với bệnh quan liêu, dẫn đến hiện tượng “ai nói người nấy nghe”, hoặc là có nghe cũng không đồng thuận và đồng lòng.

Theo ông Kim, nguyên nhân là cán bộ Mặt trận chưa hiểu tường tận về công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, không nắm chắc đường lối của Đảng và tư tưởng về đại đoàn kết, nắm không chắc luật Mặt trận, điều lệ Mặt trận, chậm đổi mới

“Từ nguyên nhân trên dẫn đến nói, viết, hành động đều hành chính. Cán bộ vẫn chưa nghe dân nói, nói cho dân nghe, làm cho dân tin, vẫn chưa thể hiện rõ được vai trò bảo vệ và đại diện quyền và lợi ích cho nhân dân” - ông Kim thẳng thắn.

Vẫn theo ông Kim, từ đó nảy sinh hiện tượng cán bộ ngại gặp dân, ngại đối thoại với dân, chưa định hình chế độ thường kỳ đối thoại và gặp gỡ nhân dân để giải quyết các điểm nóng, giải quyết những tin đồn không chính xác.

“Thấy xuất hiện nhưng lại né tránh giải quyết, những kiến nghị của nhân dân đi lòng vòng làm dân chờ. Những kiến nghị của nhân dân khi tổng hợp báo cáo Quốc hội không nêu rõ tên tuổi, địa chỉ nên chỉ như bắn chỉ thiên"- ông Kim nói.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa xã hội, nói “bệnh” hành chính hóa trong công tác Mặt trận thường biểu hiện dưới dạng sáng vác ô đi, tối vác ô về, coi hết giờ hành chính là hết nhiệm vụ, được chăng hay chớ.

“Nặng về họp hành, báo cáo dài dòng, không sát thực tế. Xa dân, không nắm được tình hình dân, ý chí nguyện vọng của dân nên nhiệm vụ đề ra không sát, không phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của Mặt trận... nên dân ít hưởng ứng” - ông Túc nói.

Ông Nguyễn Túc cho rằng: Bệnh hành chính hóa ở Mặt trận thể hiện ở việc cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, được chăng hay chớ.

Còn ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận diện "bệnh hành chính" trong tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam thường là hội chứng gồm nhiều "bệnh" gắn kết nhau. Đó là bệnh hành chính - bệnh nhà nước hóa - bệnh hình thức - bệnh thành tích.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cũng thừa nhận rằng dù có đổi mới nhưng tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Tình trạng “hành chính hóa” trong công tác Mặt trận, ông Lềnh cho là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của công tác Mặt trận.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho rằng bệnh hành chính là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả hoạt động của Mặt trận giảm.

Một phó chủ tịch khác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là ông Ngô Sách Thực cũng thừa nhận có “những biểu hiện hành chính hóa” trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận các cấp hiện nay. Tuy vậy, ông lý giải rằng: Điều đó là do nhiều cán bộ công chức còn trẻ, chưa có kinh qua thực tiễn công tác từ cơ sở, từ hoạt động phong trào.

“Do vậy, tư duy và nhận thức khó tránh khỏi “bệnh hành chính”" - ông Thực khẳng định và nói thêm Mặt trận các cấp còn phải tham gia thực hiện các nhiệm vụ khác, trong khi biên chế cán bộ chuyên trách không tăng dẫn đến tình trạng công việc quá tải.

Các đại biểu dự tọa đàm đều đồng quan điểm rằng cần phải đào tạo cán bộ và đổi mới hơn nữa phương thức, nội dung hoạt động của Mặt trận các cấp nhằm trị cho được “bệnh hành chính” của hệ thống Mặt trận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm