Mở rộng quyền tự chủ trong giáo dục đại học

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho hay luật quy định các điều kiện về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH.

QH thông qua Luật bổ sung một số điều của Luật GDĐH.

Các điều kiện này gồm: đã thành lập hội đồng trường; đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở GDĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, các quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định.

Các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ phải công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Theo luật, quyền tự chủ trong tài chính và tài sản của các trường tự chủ bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về các nguồn thu, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Các cơ sở GDĐH công lập đáp ứng các điều kiện nói trên và tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên thì được tự chủ xác định mức thu học phí. Các trường ĐH còn lại xác định mức thu học phí theo quy định của Chính phủ.

"Việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế-kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo" - luật quy định rõ.

Cơ sở GDĐH phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học và từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Luật cũng mở rộng quyền tự chủ, mở ngành đào tạo cho các trường ĐH, trong đó các trường được tự quyết các nội dung về chyên môn như: chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học…

Đối với mở thêm ngành đào tạo, các trường đủ điều kiện được mở thêm ngành, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.

Luật giao cho bộ trưởng GD&ĐT quy định chi tiết điều kiện mở ngành; quy định trình tự, thủ tục mở ngành, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo; quyết định cho phép mở ngành đối với các cơ sở GDĐH chưa đủ điều kiện quy định được tự chủ mở ngành và đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh…

Bên cạnh đó, luật cũng quy định chủ tịch hội đồng trường là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín; có kinh nghiệm quản lý GDĐH, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng trường theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận; trường hợp thành viên bên ngoài trường trúng cử chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường; chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường...

Chủ tịch hội đồng trường không nhất thiết phải có học vị tiến sĩ như đối với hiệu trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm