Mong muốn có nhân tố mới trong Đảng

GS Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải là người luôn theo dõi và có những góp ý tâm huyết về những vấn đề phát triển đất nước. Ông cho rằng có nhiều thách thức cho Đảng trong nhiệm kỳ tới.

Nhiều thành tựu, lắm thách thức

. Phóng viên:Thưa, ông có thể khái quát những thành tựu nổi bật Đại hội (ĐH) XI của Đảng vừa qua?

+ GS Nguyễn Vi Khải (ảnh): Tôi cho rằng phải tính từ 30 năm trước để nhìn thấy những đổi thay của đất nước. Bộ mặt xã hội đã đổi khác, cơ sở hạ tầng đã phát triển hơn và đặc biệt là sự ổn định của nền chính trị.

Thu nhập từ vài trăm USD, giờ đã hơn 2.000 USD… Những thành tựu này có cái gốc là sự nỗ lực của người dân. Người dân Việt Nam rất hiền hòa, thích sự ổn định. Đảng được dân tin như thế là một điều vô cùng may mắn.

. Thưa ông, lý do gì mà năm 2012 Đảng phải ra Nghị quyết Trung ương 4 để chấn chỉnh…?

+ Tôi nghĩ bất kỳ người dân nào cũng có thể trả lời được một phần câu hỏi này và Nghị quyết Trung ương 4 được cán bộ, người dân hồ hởi đón nhận với niềm tin là Đảng đã nhận thức được vấn đề. Đây là nguồn gốc quan trọng của đổi mới lần thứ hai.

Nghị quyết tiếp tục đề cập bốn nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ và nó đã được nhận diện từ ĐH VII nhưng vẫn “ổn định”. Và từ Nghị quyết Trung ương 4 đến Nghị quyết Trung ương 6 về kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, có phần nào đó làm cho nhân dân hơi thất vọng vì tình trạng tham nhũng ngày càng bộc lộ…

. Trong Nghị quyết Trung ương 4 có đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã được thực hiện tốt chưa?

+ Nghị quyết đã đề ra phương pháp rất hay, rất trúng nhưng có những vụ mà hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra không phát hiện sai phạm. Phải đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng vào cuộc thì vụ việc mới được phơi bày.

Điều này liên quan đến tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tôi cho rằng: Cần phải có thêm cơ chế kiểm soát bên ngoài, gắn với vai trò của các tổ chức quần chúng xã hội, các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc. Đây là những cơ chế hãm phanh tự động cho một cỗ xe đang chạy rất nhanh có thể tránh được những nguy cơ. Cạnh đó, trách nhiệm cá nhân phải được đặt lên hàng đầu để thực sự đạt được phát triển bền vững.

Thi tuyển công khai cán bộ, công chức  là một hình thức dân chủ trong việc lựa chọn người tài. Ảnh: HTD 

Phát huy dân chủ trong đảng

. Vậy trong ĐH XII, theo ông đảng cần làm gì để Đảng quy tụ được những người tài?

+ Vấn đề này đã được bàn đến từ lâu và chúng ta chưa có cơ chế tuyển dụng người tài, không chỉ trong những năm gần đây, mà từ lâu rồi. Đã có những thông tin về chạy chức, chạy quyền được công khai trên báo chí. Cơ chế chạy đã tạo ra một lớp cơ hội, hám danh, hám lợi.

. Vậy làm sao chúng ta có thể ngăn chặn được những chuyện như vừa nêu để Đảng thực sự quy tụ được những người tài?

+ Tôi nghĩ cần phải dân chủ trong công tác tổ chức, bổ nhiệm cán bộ và lắng nghe quần chúng. Những trường hợp đề bạt phải được công khai. Ý kiến của quần chúng, của các tổ chức là rất cần thiết.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tôn trọng nguyên tắc “cầu đồng tồn dị”. Những gì đã đồng thuận thì chúng ta cố gắng thực hiện, còn những gì khác biệt, chúng ta bảo tồn. Tôi đang nói đến việc phát huy dân chủ trong Đảng. Làm tốt việc này thì đương nhiên tinh thần dân chủ đó cũng sẽ lan tỏa ra ngoài xã hội.

Vấn đề lắng nghe ý kiến của đảng viên thuộc mọi tầng lớp tôi cho rằng cần phải nâng cao hơn nữa. Tiếng nói của người dân trong một cơ chế xã hội cần minh định theo một triết lý: Tôn trọng sự khác biệt.

. Tôi muốn quay trở lại vấn đề tôi đã đặt ra: Đảng phải làm sao để quy tụ được nhân tài giúp đất nước phát triển bền vững?

+ Thế kỷ 21, kỹ trị là một bí quyết thành công của những quốc gia khởi nghiệp, điển hình như Israel. Chỉ tri thức mới làm cho một quốc gia hùng mạnh. Bài học này Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Israel… đã học thuộc.

Đối với Việt Nam, chúng ta đừng nghĩ đến tri thức của gần 100 triệu người, mà phải là tri thức của nhân loại, đặc biệt là những vấn đề thể chế, pháp quyền, kinh tế thị trường… Nó là những giá trị phổ quát của nhân loại.

Từ ĐH IX, chúng ta đã nói đến kinh tế tri thức và nhiều người đã trăn trở về điều này, hỏi: Kinh tế tri thức của Việt Nam đã đến đâu?

. Vậy ông kỳ vọng gì về ĐH XII của đảng?

+ Không chỉ tôi mà rất nhiều người thuộc lớp người đã đi qua 3/4 thế kỷ đang kỳ vọng vào một đường hướng sáng suốt của Đảng; kỳ vọng về tư duy thời đại của người lãnh đạo như mặt thứ hai của vấn đề đường hướng sáng suốt.

Tôi mong muốn có những nhân tố mới trong Đảng để giúp đất nước hóa rồng.

Đặc biệt, tôi mong muốn bốn nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ sẽ được đẩy lùi, để Đảng thực sự lấy lại được niềm tin của nhân dân. Bởi như tôi đã đề cập ban đầu: Một dân tộc hiền lành, bao dung như dân tộc Việt Nam là điều may mắn nhất của đảng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm