Mưa lũ ở Quảng Ninh: Thiệt hại ngành than đã hơn 1.000 tỉ đồng

Vinacomin cho biết, hầu hết các mỏ than đang được dồn sức để khắc phục sửa chữa, thời gian có thể trở lại sản xuất từ vài ngày đến vài tháng. Hiện, đơn vị này đang tập trung lực lượng, thiết bị giải quyết các điểm nóng có nguy cơ xảy ra sự cố. Mỏ than Mông Dương là đơn vị chịu hậu quả nặng nề nhất của mưa lũ. Công tác cứu mỏ đang được tích cực triển khai, tập trung bơm ngăn nước dâng (dự kiến sẽ phải mất 3 - 5 tháng để có thể đưa mỏ Mông Dương quay trở lại sản xuất).

Vinacomin cho biết, tại các mỏ lộ thiên, mưa lớn gây sạt lở nhiều hệ thống tầng, bờ moong, vỡ mương thoát nước. Ở các Công ty Hà Tu, Núi Béo, Đèo Nai vùi lấp 3 máy xúc, 2 máy khoan xoay cầu; hệ thống đường giao thông nội bộ mỏ bị chia cắt, bùn đất chảy vào moong khai thác khoảng 1,0 triệu m3. Hệ thống giao thông vận tải bị mưa làm sạt lở, ách tắc hàng chục km tuyến đường vận chuyển than chuyên dụng với khối lượng đất đá phải xử lý khoảng 200.000 m3; tuyến đường sắt vận chuyển than vùng Hạ Long, Cẩm Phả bị hư hỏng nặng.

Theo Vinacomin, tính đến thời điểm hiện nay không có thiệt hại về người. Tuy nhiên thiệt hại về tài sản, vật chất và chi phí do ngừng sản xuất, để khôi phục sản xuất là rất lớn. Theo thống kê ban đầu, tổng thiệt hại dự kiến lên đến hơn 1.000 tỉ đồng và có thể tăng cao hơn nếu thời tiết còn diễn biến phức tạp. Đồng thời các ngày cuối tháng 7 phải ngừng sản xuất làm giảm sản lượng than sản xuất, tiêu thụ trên 0,5 triệu tấn.

Trước mắt, tập đoàn sẽ khôi phục sản xuất ngay sau khi điều kiện cho phép để tiếp tục bốc xếp, sản xuất than cho điện. Dự kiến sau khi hết mưa khoảng 4-5 ngày sẽ bắt đầu khôi phục khoảng 30-50% năng lực và sẽ ưu tiên số một cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng,.... “Các bên đã trao đổi, thống nhất lập phương án, triển khai sử dụng than Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê và than pha trộn cho sản xuất điện của các nhà máy điện phía Nam”- Vinacomin cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm