Mùa mưa, coi chừng cần trục tháp gây họa

Hiện hầu hết công trình xây dựng cao ốc tại TP.HCM đều sử dụng cần trục tháp để thi công. Không ít cần trục (cõng theo những khối bê tông nặng hàng tấn) thường xuyên hoạt động ngay trên đầu người đi đường. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao, nhất là trong mùa mưa sắp tới. Đáng nói, TP đã có quy định nhằm đảm bảo an toàn khi các cần trục hoạt động nhưng chưa được tuân thủ chặt chẽ.

Nhìn là lạnh sống lưng

Tại TP.HCM, người đi đường dễ dàng bắt gặp những cần trục tháp cao hàng chục mét, chiều dài dư sức “phủ” hết bề ngang một con đường. Điển hình là các công trình ở góc đường Đồng Khởi - Lê Lợi, Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1); Điện Biên Phủ (gần ngã tư Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn, quận 3); Phổ Quang (quận Tân Bình)…

Do mặt bằng hẹp, các đơn vị thi công đều chọn giải pháp quay phần đuôi (có treo những khối bê tông) của cần trục ra đường bất chấp dòng xe đi lại bên dưới.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (Bình Thạnh) cho biết thường đi đường Điện Biên Phủ và hay phải đứng đợi đèn đỏ khá lâu phía dưới một cần trục tháp. “Ngước lên thấy những khối bê tông treo lơ lửng trên đầu, tôi thấy lạnh cả xương sống. Lỡ có chuyện gì thì chẳng biết tránh đâu cho thoát” - anh Hùng nói.

Có quy định, rồi… thôi

TP.HCM là một trong số ít địa phương đã ban hành quy định về sử dụng cần trục tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn. Cụ thể, trong Quyết định 73/2011, TP yêu cầu hạn chế tối đa việc sử dụng cần trục có các bộ phận vươn ra khỏi phạm vi công trình. Trường hợp cần trục vươn ra ngoài, chủ đầu tư phải có phương án đảm bảo an toàn, trong đó phải xác định phạm vi đường giao thông công cộng nằm trong vùng nguy hiểm vật rơi, biện pháp bảo đảm an toàn cho người ngoài đường, đi qua vùng nguy hiểm của cần cẩu. Sở GTVT thông tin thêm khi sử dụng các cần trục vươn ra khỏi công trình, chủ đầu tư phải liên hệ trước với các đơn vị liên quan (trong đó có Sở GTVT) để phối hợp đảm bảo an toàn. Quy định là vậy nhưng đến nay Sở GTVT vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị hỗ trợ điều tiết, phân luồng giao thông nào.

Một điều đáng quan tâm nữa là cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc xử lý các đơn vị để cần trục tháp vượt ranh công trình. Lực lượng Thanh tra Xây dựng (Sở Xây dựng) cho hay họ chỉ có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong phạm vi công trình. Còn ông Lê Hoàng Nam, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 6 (Sở GTVT TP), cho biết khi cẩu tháp vươn ra khỏi công trình, lấn không gian vỉa hè, lòng đường thì dù thấy nguy hiểm, có vi phạm nhưng không xử lý được.

“Về nguyên tắc, khi các cần cẩu vươn ra đường thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với Sở GTVT để phân luồng, điều tiết giao thông nhằm đảm bảo an toàn. Nhưng thực tế đến nay không đơn vị nào thực hiện. Do Nghị định 34/2010 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông chưa có quy định cụ thể nên chúng tôi không có căn cứ xử phạt” - ông Nam cho hay.

Khi xảy ra mưa bão, các cần trục tháp có nguy cơ ngã đổ rất cao. Trong cơn bão vừa qua, rất may TP chưa xảy ra sự cố nào liên quan đến cần trục tháp nhưng không vì thế chúng ta chủ quan. Trước và trong mùa mưa sắp tới, các đơn vị liên quan, trong đó có Sở Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở những chủ đầu tư có cần trục tháp, giàn giáo hoạt động thiếu an toàn.

Một thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm