Muốn đòi bồi thường, phải thu thập ngay chứng cứ

Những chứng cứ về vi phạm của Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành (chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Thành) ở xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai và những thiệt hại đã được kê khai cho thấy nông dân ở đây có đủ cơ sở yêu cầu Sonadezi Long Thành bồi thường thiệt hại.

Nhiều cơ sở chứng minh đã gây thiệt hại

Đến nay, việc giải quyết phần “hậu” Vedan chưa xong thì phát sinh vụ Sonadezi Long Thành có dấu hiệu gây ô nhiễm nghiêm trọng khiến tôi rất bất ngờ.

Như chúng ta đã biết, Công ty Vedan đã phải đóng tiền phạt, nộp phí truy thu bảo vệ môi trường, chi khoảng 31 triệu USD… Qua vụ Vedan giúp pháp luật hoàn thiện hơn và nâng cao sự hiểu biết của người dân trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Vụ việc cũng là hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường nhưng tôi rất bất ngờ lại xảy ra vụ Sonadezi Long Thành, trực thuộc một doanh nghiệp nhà nước có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng và kéo dài.

Đến thời điểm hiện nay, ngoài việc C49 phát hiện quả tang Sonadezi có dấu hiệu xả bẩn thì liên tục trong nhiều năm trước đó, chính quyền địa phương đã nhiều lần có văn bản phản ánh tình trạng ô nhiễm của Sonadezi. Đây là những cơ sở củng cố thêm cho mối liên hệ giữa hành vi xả thải gây ô nhiễm với hậu quả gây ra là những thiệt hại của người dân. Mặt khác, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, nếu gây ô nhiễm làm phát sinh thiệt hại thì phải bồi thường.

Muốn đòi bồi thường, phải thu thập ngay chứng cứ ảnh 1

Một người dân ở ấp 2, xã Tam An múc nước bùn bẩn tại vàm mương rạch Bà Chèo do Sonadezi Long Thành xả thải. (Ảnh chụp lúc 11 giờ ngày 11-8) Ảnh: N.LỘC

Đây là vụ khó vì Sonadezi Long Thành trực thuộc một doanh nghiệp nhà nước. Nếu vụ này mà không gương mẫu sẽ gây ra sự so bì cho nhà đầu tư nước ngoài…

Người dân, chính quyền cần chủ động hơn

Ở đây có hai việc cần phải làm, trước hết các cơ quan chức năng phải khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm. Mặt khác, người dân phải thống kê thiệt hại về vật nuôi, cây trồng, thủy hải sản… Việc của cơ quan nhà nước là nhằm xác định mức độ vi phạm để xử phạt, truy thu nhưng người dân phải thống kê, kê khai những thiệt hại do ô nhiễm nguồn nước gây ra.

Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để những khoản thiệt hại này là cơ sở pháp lý cho việc đòi bồi thường thiệt hại về sau.

Rút kinh nghiệm từ vụ Vedan thì việc thống kê thiệt hại phải làm theo biểu mẫu của Tổng cục Môi trường. Trong đó, người dân phải kê khai trung thực, chính xác những thiệt hại mà mình phải gánh chịu từ việc ô nhiễm của Khu công nghiệp Long Thành này gây ra.

Ví dụ, trước đây người dân đã chi những gì cho việc nuôi tôm cá, nay không thể nuôi được, gây thiệt hại mức nào thì phải liệt kê đầy đủ, chính xác và UBND xã phải xác nhận vào các đơn kê khai đó. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên nhất trong việc hỗ trợ người dân khảo sát, đánh giá thiệt hại thuộc về Hội Nông dân các cấp. Bởi đây là tổ chức đại diện cho quyền lợi của nông dân nên phải có trách nhiệm với thành viên của mình.

Kê khai đầy đủ thiệt hại cũng như xác nhận thiệt hại cần phải được thực hiện ngay để làm cơ sở yêu cầu bồi thường, nếu không sau này sẽ trở nên rắc rối. Mình đã có bài học của vụ Vedan rồi, cần phải thu thập đầy đủ chứng cứ. Do vậy, ngay từ bây giờ Hội Nông dân, Hội Luật gia địa phương phải tham gia hỗ trợ người dân trong việc thống kê, xác định thiệt hại, củng cố chứng cứ cho yêu cầu bồi thường.

Việc UBND xã và Hội Nông dân cho biết phải chờ kết luận từ C49 nên hiện nay chỉ ghi nhận phản ánh, tiếp nhận đơn là quá thụ động. UBND xã Tam An và Hội Nông dân các cấp mà trực tiếp là Hội Nông dân cấp xã phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp, giúp người dân đánh giá, thống kê và xác nhận thiệt hại. UBND cấp xã, Hội Nông dân xã ghi nhận phản ánh, tiếp nhận đơn là việc đương nhiên phải làm và nếu còn phân vân thì chủ động báo cáo, đề xuất với các cơ quan cấp trên để có những hành động cụ thể hỗ trợ người dân.

Sonadezi “mẹ” không thể vô can

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Sonadezi là doanh nghiệp nhà nước có nhiều cổ đông. Bà Đỗ Thị Thu Hằng là Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của Sonadezi nên khi Sonadezi Long Thành có vi phạm, bị xử lý thì với trách nhiệm của người đứng đầu, bà Hằng sẽ bị “vạ lây”. Bởi lẽ, theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, Nghị định 59/2011 và Nghị định 66/2011 thì dù Sonadezi Long Thành là đơn vị hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân riêng nhưng Sonadezi “mẹ” vẫn không thoát mối liên hệ về trách nhiệm nếu C49 khẳng định có vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

MINH PHONG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm