‘Muốn trẻ thành người xấu, cứ đưa vào tù’

Tại phiên Quốc hội thảo luận hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 ngày 24-5, ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết lịch sử lập pháp từ 1945 đến trước khi ban hành BLHS 2015, chúng ta chỉ xử lý hình sự đối với những em ở lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi nếu phạm phải tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, BLHS 2015 đã được sửa theo hướng mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với các em cả ở tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng khi thuộc ba tội danh là cố ý gây thương tích, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. “Những thay đổi của BLHS 2015 là những thay đổi rất lớn trong chính sách hình sự của Nhà nước ta theo hướng xử lý nghiêm đối với trẻ em” - bà Thủy nhận định.

Quá nặng với trẻ em

Theo đại biểu (ĐB) này, xử lý như BLHS 2015 là rất nặng cho trẻ em, gần như không có sự phân hóa giữa trẻ em và người lớn phạm tội. “Người lớn có hành vi đánh nhau gây thương tích từ 11% bắt đầu bị Nhà nước xử lý hình sự, trẻ em suy nghĩ thiếu chín chắn, có hành vi đánh nhau gây thương tích từ 11% trở lên cũng bị xử lý trách nhiệm hình sự (TNHS) như người lớn là không phù hợp với thông lệ thế giới” - bà Thủy phân tích.

Theo bà Thủy, xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng. “Điều này không có nghĩa là chúng ta cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của trẻ em mà quan trọng là khi bắt tay xử lý những trường hợp này, chúng ta phải tự hỏi trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu đối với những vi phạm này và xử lý thế nào là đúng mức để các em có thể quay trở lại cuộc đời còn rất dài ở phía trước” - bà Thủy nói và kiến nghị chỉ xử lý hình sự khi các em phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như từ trước tới nay.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng cho rằng: “Nhà tù không phải là nơi tốt nhất cho các em”. Theo ĐB này, trẻ em phạm tội một phần là do tâm lý lứa tuổi, thích thể hiện. Trong khi đó, cứ đưa 10 em vào tù thì có tới năm em tái phạm. “Vậy có phải cứ áp dụng chế tài nghiêm khắc nhất thì sẽ giáo dục được các em hay là sẽ làm cho tỉ lệ tái phạm của các em cao hơn?” - ĐB Hoa đặt vấn đề.

Dẫn ra ý kiến một chuyên gia tâm lý của Đức, bà Hoa cho hay nếu chúng ta muốn các em trở thành người xấu thì cứ đưa các em vào vòng tố tụng và vào tù. ĐB này đề nghị áp dụng nhiều chế tài về hành chính, giáo dưỡng, chuyển hướng trong hình sự đối với các em.

Nhân đạo cũng phải có đạo lý

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bổ sung: Thực tế đáng lo ngại là các trại giam, nhà tạm giam tại nhiều địa phương đang quá tải, có nơi không có chỗ giam riêng cho người chưa thành niên. “Số người chưa thành niên bị truy tố đưa vào thì không có chỗ giam giữ trong khi các cơ sở giáo dục bắt buộc có đầy đủ các điều kiện để giáo dục những trẻ chưa thành niên vi phạm thành công dân có ích lại đang bỏ trống” - ông Học nói.

Nghe ông Học nói vậy, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bấm nút xin tranh luận. Theo ông Nhưỡng, trẻ em thường chỉ phạm các tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng như đánh nhau, bạo lực học đường... Vì vậy, để răn đe, giáo dục cần xử lý hình sự nhưng để bảo đảm tương lai cho các em và quyền của trẻ em thì chỉ áp dụng hình phạt nhẹ hoặc các biện pháp tư pháp, các biện pháp hành chính, giáo dục, thậm chí miễn chấp hành hình phạt.

“Nghe các ĐB trước tôi phát biểu, tôi thấy nhân đạo cũng cần phải có đạo lý, không dựa trên nền cảm tính” - ĐB Bến Tre nói.

“Tôi là người rất cứng rắn nhưng khi xem một số clip các em đánh nhau, xé quần áo trẻ em nữ… tôi không thể xem được hết. Hình phạt và cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là biện pháp tốt nhất. ĐB nói là chúng ta không có đủ nhà tù, trại giam? Ở đây có ai nói là phải bỏ tù các em? Chúng ta xử lý hình sự và áp dụng hình phạt là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau” - ông Nhưỡng lưu ý.

Bốn nguyên tắc xử lý trẻ em phạm tội

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, các nước chỉ loại trừ TNHS đối với trẻ em ở những tội vô ý, còn những tội cố ý thì vẫn xử lý nhưng xử lý thì phải có nguyên tắc. Tuy vậy, ông Bình cũng cho rằng không nhất thiết phải đưa người chưa thành niên vào tù và những chính sách hình sự chủ yếu phải được làm rõ, quy định ở Điều 91 của BLHS. “Nếu chúng ta bỏ phiếu, rồi liệt kê bao nhiêu tội cũng không đủ. Hãy loại trừ TNHS với các tội mà trẻ em phạm một cách vô ý. Còn các tội khác mà cố ý thì nên xử lý theo những nguyên tắc riêng đối với người chưa thành niên” - ông Bình nói.

Dẫn ra chính sách hình sự với người chưa thành niên của Pháp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội xem xét bốn nguyên tắc xử lý TNHS với người chưa thành niên trước khi bỏ phiếu về vấn đề này.

Một là: Việc xử lý TNHS với người chưa thành niên là tăng biện pháp giáo dục, hạn chế các biện pháp cưỡng chế, tù giam.

Hai là: Các phiên tòa xử người chưa thành niên phải được xử kín.

Ba là: Việc quy định độ tuổi vị thành niên phải do HĐXX quyết định dựa trên nhận thức của trẻ. “Bởi có những trường hợp 14-15 tuổi nhưng nhận thức già dặn hơn 17-18 tuổi. Nếu cố tình thực hiện hành vi đến cùng thì 15 tuổi nặng hơn 18 tuổi. 15 tuổi mà tham gia băng đảng, có số có má, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng thì rõ ràng phải xử lý” - ông Bình phân tích.

Bốn là: Trong trường hợp phải xử lý bằng hình phạt tù thì việc áp dụng hình phạt bằng 1/2 khung. “Nếu chúng ta mạnh dạn hơn thì có thể quy định mức chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 so với khung hình phạt. Nhưng cần quy định cụ thể để tránh việc tùy tiện của HĐXX” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy