Nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ

“Đến nay đội tàu cá của ngành thủy sản vẫn chủ yếu là tàu cá thô sơ, trang bị đơn giản, không đủ điều kiện an toàn tối thiểu, hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, xây dựng đội tàu cá hiện đại bảo đảm khả năng đánh bắt xa bờ là yêu cầu tất yếu”. Đó là ý kiến của ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý tàu cá, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tại hội thảo “Xây dựng hiện đại hóa tàu cá” do Tổng cục Thủy sản tổ chức ngày 30-8 tại Hà Nội.

Được cho không vẫn chẳng mặn mà

Ngay từ năm 1997, Nhà nước đã có chủ trương cho vay vốn ưu đãi phát triển nghề cá xa bờ. Tuy nhiên, để được vay vốn thì phải có dự án đóng tàu nên phần lớn vốn ưu đãi không đến được với ngư dân nghèo do họ không biết cách lập dự án. Cạnh đó, việc cho vay vốn đóng tàu mà không tính đến cho vay vốn mua ngư cụ, số tiền này thường bằng khoảng 1/3 giá trị con tàu, dẫn đến tình trạng nhiều tàu đóng ra do thiếu vốn mua sắm ngư cụ nên ngư dân phải cắt giảm các trang bị trên tàu...

Ông Đặng Quang Huy phân tích theo Quyết định 289/2008 của Thủ tướng Chính phủ, nếu đóng mới tàu cá lắp máy từ 90 CV trở lên trong thời gian từ 2008 đến 2010, mỗi năm ngư dân sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng. Như vậy, nếu lắp máy với công suất 90 CV với dòng giá rẻ của Yanmar, ngư dân không tốn một đồng nào, thậm chí còn dư ra. Thế nhưng trong suốt ba năm qua, cả nước chỉ có sáu tàu cá được lắp máy mới. Vì sao ngư dân không hề mặn mà với sự hỗ trợ này?

“Mặc dù biết rằng Nhà nước cho không máy nhưng ngư dân vẫn phải bỏ ra số tiền mua máy ban đầu và được hoàn trả trong ba năm. Việc này vượt quá khả năng kinh tế của ngư dân trong khi ngân hàng lại không tha thiết gì khi cho ngư dân vay vốn đóng tàu. Do đó, nếu mua máy cũ với số tiền bằng 1/3 giá máy mới sẽ phù hợp hơn, chỉ cần vài chuyến đi biển được mùa sẽ thu lại vốn” - ông Huy lý giải.

Nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ ảnh 1

Đa số tàu cá hiện nay vẫn còn thô sơ, trang bị đơn giản, không đủ điều kiện an toàn tối thiểu, hiệu quả kinh tế thấp.Ảnh: HTD

Không thể cứ mãi “cha truyền con nối”

Theo ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc hiện đại hóa đội tàu được tiến hành song song giữa cải tạo, nâng cấp các đội tàu hiện có với việc đóng mới các tàu hiện đại. Trong đó, tàu cá hiện đại phải tuân thủ các nguyên tắc gắn với mục đích sử dụng (tàu kéo, tàu vây, tàu câu…).

Ông Vĩnh cho biết hiện nay cả nước có trên 130.000 tàu cá nên chỉ có thể đóng mới một số tàu chứ không thể thay toàn bộ tàu. Ngoài ra, muốn hiện đại hóa tàu cá thì trước hết cần nắm vững cơ sở nguồn lợi thủy sản, phải biết được khu vực đánh bắt có những loài cá gì, đánh bắt bằng loại lưới gì, phân bố chủ yếu ở khu vực nào, sản lượng là bao nhiêu. Thứ hai, tàu cá phải có bến cảng, cơ sở hậu cần dịch vụ cho nghề cá. Thứ ba, có nhiều loại máy móc mà ngư dân không thể sử dụng được nên cần phát triển nguồn lực. Bởi nếu không đào tạo nguồn lực mà cứ để tình trạng “cha truyền con nối” như hiện nay thì không thể hiện đại hóa được.

“Ngư dân đánh bắt xa bờ phải biết ngoại ngữ, phải biết điều khiển những con tàu hiện đại. Xây dựng đội tàu hiện đại cũng phải chú ý đến đời sống lao động, y tế của ngư dân. Ví dụ tám người trở lên phải có một toilet và một cái giường và 16 người trở lên phải có phòng ăn… Ngoài ra, cần có thiết kế mẫu tàu cho từng loại tàu, phù hợp với đặc điểm riêng của từng vùng biển để thuận lợi cho khâu quản lý và sửa chữa” - ông Vĩnh nói.

Vinashin đủ năng lực hiện đại hóa đội tàu

Hiện nay, Vinashin có 28 nhà máy đóng tàu, trong đó có bảy nhà máy đạt chuẩn quốc tế, có thể đóng tàu viễn dương với thiết kế hiện đại, có thể chở 5.000 chiếc ô tô. Cơ sở vật chất của Vinashin đảm bảo đảm nhận nhiệm vụ đóng tàu cho hải quân và cảnh sát biển, có đủ năng lực phát triển và hiện đại hóa đội tàu cá. Hiện nay tại Phú Yên, Vinashin đã phối hợp với địa phương xây dựng bến đỗ, trung tâm hậu cần phục vụ nghề cá.

Ông NGUYỄN NGỌC ÁNH,
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin

Sẽ đóng tàu kiểm ngư 700 tỉ đồng

Đề án xây dựng lực lượng kiểm ngư về cơ bản đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và cho đóng hai tàu kiểm ngư công suất lớn, hiện đại. Hiện cơ quan chức năng đang làm mọi thủ tục hoàn chỉnh và giao cho Hải quân giám sát và Vinashin thực hiện đóng mới. Hai con tàu này có công suất ngang với tàu ngư chính của Trung Quốc, với công suất 10.000 mã lực, chịu được sóng gió cấp 12, dài 90 m, có sân đỗ trực thăng. Mỗi chiếc có kinh phí 700 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong hai năm tới.

Ông CHU TIẾN VĨNH, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm