Nên thi tuyển thiết kế nhà hát giao hưởng

LTS: Việc UBND TP.HCM chấp thuận xây nhà hát giao hưởng tại Công viên 23-9 (Pháp Luật TP.HCM ngày 9-3) đang rất được dư luận chú ý. Nhiều ý kiến thắc mắc liệu công trình có cần thiết, có phá vỡ cảnh quan, làm gia tăng nạn kẹt xe ở khu trung tâm… Chúng tôi xin giới thiệu quan điểm của một số kiến trúc sư về vấn đề này.

Cần thay đổi quy hoạch khu vực lân cận

Nhà hát giao hưởng là một thể loại công trình biểu diễn cao cấp nhất nên giá vé thường rất cao để bù chi phí vận hành và bảo dưỡng. Tại Việt Nam hiện chưa có công trình nhà hát giao hưởng đạt chuẩn quốc tế về âm thanh và kỹ thuật. Do vậy, cần cải tạo lại các nhà hát lớn của Hà Nội và TP.HCM hoặc xây mới.

Theo tôi, nếu quyết định xây nhà hát giao hưởng tại Công viên 23-9, TP cần thay đổi song song quy hoạch khu vực lân cận. Cụ thể, không xây dựng nhiều nhà cao tầng xung quanh, vừa làm giảm giá trị không gian nhà hát, vừa gia tăng hiệu ứng cộng hưởng tiếng ồn giao thông, làm tăng đáng kể chi phí cách âm cho nhà hát. Thứ hai, cần thay đổi quy chế quản lý đô thị của khu vực và chức năng sử dụng chủ đạo (biểu diễn, triển lãm, sinh hoạt văn hóa trong nhà và ngoài trời…) để tạo được bộ mặt văn hóa cho toàn khu. Sau cùng, cần đưa việc giải bài toán giao thông khu vực và cảnh quan kết nối với công viên (ví dụ mái nhà có thể là vườn cây) vào đề bài.

Thiết kế nhà hát cũng phải đạt các tiêu chí của loại hình biểu diễn cao cấp và nâng cao giá trị bản sắc TP.HCM. Do đó, thay vì chỉ định thiết kế thì nên tổ chức thi tuyển nhưng chỉ mời một số đơn vị có kinh nghiệm dự thi.

TSKH - KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN

Phục vụ cả người dân lẫn du khách

Theo định hướng phát triển đô thị văn minh hiện đại, việc xây dựng một nhà hát ca vũ nhạc kịch tại TP là rất cần thiết, không chỉ phục vụ cho người dân mà còn du khách quốc tế. Nhiều khách quốc tế đã bày tỏ họ không biết xem gì khi đến TP.

Nên thi tuyển thiết kế nhà hát giao hưởng ảnh 1

Công viên 23-9, nơi sẽ xây dựng nhà hát giao hưởng phục vụ người dân và du khách. Ảnh: HTD

Về vị trí, TP từng nghiên cứu nhiều địa điểm, như nhà hát giao hưởng tại đường Lê Duẩn nhưng diện tích ở đây rất nhỏ, không thể đầu tư thành một nhà hát xứng tầm. Còn một vị trí nữa bên quận 2 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì rất đẹp nhưng chưa biết khi nào mới xong hạ tầng. Công viên 23-9 có vị trí đẹp, điều kiện thuận lợi nên được chọn.

Người dân đã quen nhìn thấy mảng xanh tại đây nên dĩ nhiên sẽ cảm thấy tiếc khi cây xanh bị chặt để làm dự án. Nhưng vốn dĩ nơi đây không phải là công viên cây xanh đúng nghĩa mà có nguồn gốc là trạm xe lửa rồi dự án cao ốc của Đài Loan. Do vậy cây xanh ở đây chỉ là loại cây ít có giá trị, mục đích trồng là để giữ đất. Sau này khi xây nhà hát giao hưởng cũng sẽ có mảng xanh trước mặt, phần công viên cũng phải đầu tư lại cho đẹp hơn.

Còn nói về kẹt xe thì đây quả là bài toán cần phải giải, không chỉ cục bộ cho công trình nhà hát này mà còn cả TP. Nhưng không thể nói rằng vì kẹt xe nên dừng lại toàn bộ hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Dự kiến về lâu dài tại Công viên 23-9 còn tiếp tục khai thác phần không gian trên và dưới mặt đất, kết nối với các tuyến metro, trạm xe buýt…

KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM

Rất nên làm

Việc đầu tư xây dựng một nhà hát giao hưởng cho TP là rất nên làm. Mọi đô thị phát triển trên thế giới không phải chỉ chú trọng yếu tố kinh tế mà còn quan tâm đến nhu cầu văn hóa, tinh thần cho người dân lẫn du khách.

Về vị trí, nhà hát giao hưởng nằm tại khu trung tâm hiện hữu của TP là đúng vì sẽ phục vụ được số đông. Công viên 23-9 lâu nay vẫn dành vị trí phía cuối công viên để đầu tư dự án này cho nên không có vấn đề gì.

KTS QUANG NINH

Giờ mới xây là đã muộn!

TP đã chuẩn bị cho việc xây dựng nhà hát giao hưởng từ hàng chục năm nay nhưng vì nhiều lý do nên chưa thực hiện được. Đến thời điểm này mới xây nhà hát cũng đã là muộn. Vấn đề đặt ra là khi xây dựng xong thì công trình có phát huy được công dụng hay chỉ hoạt động cầm chừng? Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa và những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Trong quy hoạch khu trung tâm 930 ha, Công viên 23-9 được xây dựng một tổ hợp gồm ga tàu điện ngầm, trung tâm thương mại ngầm… Phía trên là công viên cây xanh, có quảng trường nên sẽ phù hợp với công trình nhà hát giao hưởng. Cần lưu ý có thiết kế đô thị cho toàn bộ khu vực này để tạo thành một khu vực có kiến trúc và không gian cảnh quan hài hòa.

KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU, Phó Chủ tịch Thường trực Hội KTS TP.HCM

C.TÚ - V.HOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm