Nếu còn mua quan bán chức thì làm sao có nhân tài vào nhà nước?

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM, ông Nguyễn Đình Cung, cho biết đề án trên tập trung vào vấn đề đưa năng suất lao động trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh với các nước Asean4, để đến năm 2025, năng suất lao động, trong đó có vốn con người và công nghệ chiếm tỉ trọng lớn.

Đây là đề án do Bộ KH&ĐT soạn thảo, trước khi trình Bộ Chính trị lần nữa cần được các chuyên gia góp ý.

Trước khi trình bày tại Hội thảo về đề án tổ chức ngày 31-8, ông Cung kể: “Sau khi Thủ tướng đọc đề án đã nói với tôi: Các anh viết chưa thật!”.

TS Võ Đại Lược: "Nhiều học trò của tôi khi được giới thiệu đã không về Việt Nam làm việc". Ảnh: CHÂN LUẬN

Rất nhiều chuyên gia đã đến tham dự hội thảo. TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, nói: "Đề án cần đánh giá đúng hơn tình hình xã hội và thế giới. Trong nước thì tăng trưởng thấp, kinh tế suy giảm, xuất khẩu gặp khó khăn. Hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường đang ngày một trầm trọng. Các vấn đề xã hội cũng đang nổi lên, đặc biệt sau sự kiện bí thư và chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái vừa qua".

Theo TS Lược, một trong những yếu tố căn bản, quyết định mô hình tăng trưởng là nhân tài. Tuy vậy, việc trọng dụng nhân tài hiện nay đang có vấn đề.

“Mỗi năm có hàng trăm thủ khoa mà cơ quan nhà nước chỉ tuyển khoảng 10%. Vài ba năm sau họ lại bỏ nhà nước ra làm bên ngoài. Tình trạng mua quan bán chức, chạy biên chế vẫn diễn ra thì làm sao có nhân tài vào nhà nước, làm sao đổi mới thể chế được?" - TS Lược nói.

Thứ trưởng Đào Quang Thu: "Nguy cơ Việt Nam tụt hậu càng cao". Ảnh: CHÂN LUẬN

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu chủ trì hội thảo, các nước ngày càng phát triển, khoa học công nghệ thay đổi từng ngày, nguy cơ Việt Nam tụt hậu đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm