Ngã tư Thủ Đức lại xây cầu vượt

Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP.HCM) vừa đề xuất xây thêm một cây cầu vượt bằng thép khác tại ngã tư Thủ Đức. Quy mô cầu mới tương đương cầu cũ với bốn làn ô tô.

Lún, trồi nhựa nhiều lần

Theo ghi nhận vào cuối tuần qua, nhiều vị trí dọc mép đường chân cầu vượt ngã tư Thủ Đức theo hướng từ TP.HCM đi Biên Hòa (Đồng Nai) đang hỏng nặng. Mặt bê tông nhựa trên cầu vượt có nhiều chỗ trồi, lún sâu tạo thành rãnh lớn. Lượng xe tải nặng, xe container liên tục lưu thông qua cầu khiến các hư hỏng ngày càng nặng.

Xa lộ Hà Nội hiện có bốn làn ô tô nhưng ở cầu vượt chỉ có hai làn. Theo quan sát, hầu hết xe tải, container thông qua cầu đều dồn hết qua làn bên phải nên tình trạng trồi, lún ngày càng gia tăng. Đây đã là lần thứ ba xảy ra trồi, lún bê tông nhựa ở mặt cầu.

Đại diện Khu 2 (chủ đầu tư, cũng là đơn vị quản lý, khai thác cầu vượt) cho hay nguyên nhân chủ yếu gây trồi, lún nhựa, đặc biệt ở hướng từ TP.HCM đi Biên Hòa là do nắng nóng và lưu lượng xe tải nặng quá lớn. Ngoài ra, việc các xe tải nặng chỉ lưu thông ở làn bên phải, ít khi đánh lái qua làn bên trái cũng làm kết cấu mặt bê tông nhựa bị phá hoại. Thực tế tình trạng trồi, lún chủ yếu diễn ra ở làn bên phải của cầu vượt.

“Qua theo dõi, đến nay xuất hiện lại tình trạng trồi nhựa với mức độ l-3 cm. Trước mắt để đảm bảo an toàn giao thông, chúng tôi tiếp tục cho cào bằng phần bê tông nhựa bị trồi. Khu 2 cũng sẽ nghiên cứu đưa ra phương án xử lý triệt để tình trạng này vào tháng 10-2015” - đại diện Khu 2 nói. Còn giải pháp lâu dài, Khu 2 kiến nghị Sở GTVT cho phép xây tiếp một cầu vượt bằng thép như đã nêu trên.


Trồi, lún nhựa trên cầu vượt bằng thép ở ngã tư Thủ Đức đã tái diễn nhiều lần. Ảnh chụp ngày 8-8. Ảnh: THANH TUYỀN

Thêm cầu, trồi lún sẽ vẫn còn

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia cầu đường, khi xây các cầu vượt người ta thường quan tâm tính toán đến phần thép chứ ít quan tâm đến lớp bê tông nhựa. Cầu vượt ở ngã tư Thủ Đức làm bằng dầm hộp nên lớp bê tông nhựa trên mặt cầu chịu sự rung động nhiều hơn, dễ bị “mỏi” dẫn đến nứt dọc hoặc trồi nhựa. Mặt khác, các cầu vượt có bề rộng hẹp, độ dốc cao nên xe tải nặng phải chạy chậm; đồng thời các xe này thường chỉ chạy trên một làn… khiến những yếu tố bất lợi càng gia tăng, dễ gây hư hỏng mặt bê tông nhựa.

“Việc tính toán lớp bê tông nhựa cho các cầu vượt bằng thép khó gấp nhiều lần so với bê tông thảm nhựa thông thường. Nhiều nước trên thế giới phải tính toán, làm ra các loại bê tông nhựa cải tiến dành riêng cho cầu vượt. Trong khi đó ta thường sử dụng bê tông thảm nhựa thông thường, hư thì cào lên, thảm lại lớp mới (theo sự tư vấn của các đơn vị bán hàng) rồi trông chờ chuyện hên xui” - TS Sanh nói.

Thực tế cho thấy cầu vượt ngã tư Thủ Đức nhiều lần xảy ra hư hỏng và nguyên nhân được xác định giống nhau. Như vậy có thể thấy việc “chẩn bệnh” chưa được chính xác khiến không thể tìm ra giải pháp khắc phục tối ưu. “Nếu không có một nghiên cứu khoa học đầy đủ, chính xác về “bệnh” của cầu vượt ngã tư Thủ Đức thì dù xây thêm cầu mới vẫn không giải quyết triệt để. Hư hỏng vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, tất nhiên thời gian sẽ lâu hơn” - TS Sanh nhấn mạnh.

Ít nhất ba lần hư hỏng

Cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức được thông xe vào cuối tháng 1-2013 với tổng vốn đầu tư gần 280 tỉ đồng. Phần chính của cầu dài gần 280 m, có bốn làn xe (hai chiều). Sau khi đưa vào sử dụng, cầu đã tháo gỡ ách tắc giao thông tại ngã tư này.

Tuy vậy, phần mặt cầu thường xuyên hư hỏng. Sau hai tháng thông xe, mặt cầu bắt đầu trồi, lún và đơn vị thi công đã cào bóc lớp bê tông phủ mặt, thảm lớp bê tông nhựa polymer dày có cường độ chịu lực tốt. Lúc đó cơ quan chức năng khẳng định việc xử lý như trên sẽ đảm bảo khả năng chịu lực, chống trồi, lún nhựa.

Tuy nhiên, tới sau tháng 8-2014 (thời điểm hết bảo hành, công trình được giao về cho chủ đầu tư là Khu 2 quản lý) thì mặt cầu lại trồi, lún nhựa. Trong các tháng 12-2014 và 5-2015, Khu 2 phải nhiều lần cào bóc phần bê tông nhựa bị trồi để xử lý. Tuy vậy, gần đây ở cầu này lại tiếp tục xuất hiện hư hỏng.

_____________________________

Lượng xe tải nặng qua cầu vượt Thủ Đức lớn nên việc mặt đường trồi, lún rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Khi qua cầu, tôi luôn phải để ý tránh những nơi bị lún hay trồi nhựa vì nếu sơ sẩy một chút là có thể mất lái ngay.

Ông HOÀNG MỨC, tài xế xe tải, ngụ quận 9, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm