Đuối vì họp - Bài 1:

Ngày ‘họp, họp, họp’, đêm làm tối mặt

Với câu hỏi “Làm lãnh đạo có phải đi họp nhiều không?”, đa số chủ tịch phường trên địa bàn TP.HCM đều cho biết “họp rất nhiều”, “họp nhiều quá”, “cái gì cũng họp”. Nhiều phường than vì quận có nhiều phó chủ tịch nên hôm nay phải họp với phó chủ tịch này, ngày mai phải họp với phó chủ tịch khác.

Lãnh đạo phường… họp tối mặt mũi

PV Pháp Luật TP.HCM đến một UBND phường trên địa bàn quận Thủ Đức thì lúc này một cán bộ phường vào báo chiều cùng ngày có thư mời họp nhưng các phó chủ tịch đều bận họp nên không đi được, đành phải cử chuyên viên.

Chủ tịch phường này nói ngay: “Sáng mai tôi có đến bốn thư mời họp trên quận. Ở phường có ba phó chủ tịch cộng với chủ tịch là tôi thì vừa vặn bốn thư mời, mảng của người nào người đó đi”.

“Như vậy ai ở nhà ký giấy tờ, giải quyết công việc?” - PV hỏi thì vị chủ tịch phường này cho biết: “Vì đi họp nhiều nên lúc về tôi phải làm ngoài giờ, các hồ sơ mà cấp dưới trình lên thì họp xong về giải quyết cho xong, nếu văn phòng còn làm việc thì chuyển cho họ, còn không thì sáng sớm mai lên chuyển để văn phòng giải quyết liền. Vì vậy mà không có hôm nào tôi về nhà trước 19 giờ. Còn chuyện ký giấy tờ, thông thường lúc nào cũng phải cử một lãnh đạo ở lại phường. Nếu có những cuộc họp bắt buộc đi hết thì cán bộ sẽ mang lên cho người nào đi họp ở gần nhất ký rồi về đóng dấu. Hoặc khó quá thì đành hẹn người dân chiều lên lấy giấy sau nhưng có người đồng ý, có người không chịu, còn mắng lại. Còn có việc gì gấp thì có thể chỉ đạo nhanh qua điện thoại” - vị chủ tịch phường phân trần.

Một chủ tịch phường trên địa bàn quận Bình Tân cũng than tương tự và cho biết: “Tôi đã kiến nghị về tình trạng họp nhiều quá. Do họp dày đặc nên nhiều việc phải đi làm ban đêm, như mới đây tôi phải kết hợp đi thu thuế nợ đọng với vận động đơn vị kinh doanh lên doanh nghiệp vào ban đêm, mà những cái này không có lãnh đạo đi cùng thì không được”.

Sở họp cả trăm cuộc mỗi tháng, sao thấu?

Không chỉ phường quá tải họp mà các cấp sở/ngành TP còn họp kinh hoàng hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ba sở “nóng” nhất tại TP.HCM hiện nay là các sở GTVT, Xây dựng và TN&MT đều có số lượng họp rất khủng.

Dẫn đầu về số lượng cuộc họp phải kể đến là Sở TN&MT. Trong chín tháng đầu năm, sở này có 3.203 cuộc họp. Kế đến là Sở GTVT với 2.124 cuộc, Sở Xây dựng là 861 cuộc.

Tại cuộc làm việc gần đây với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT TP, cũng cho hay: “Đến thời điểm này Sở có 6.000 đầu việc phải xử lý. Với bốn người trong ban giám đốc và 12 trưởng các văn phòng, trong bảy tháng đầu năm, lãnh đạo Sở phải dự hơn 2.000 cuộc họp, trung bình một lãnh đạo trong một tháng phải dự 132 cuộc họp”.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những cuộc họp theo thư mời của Thành ủy, UBND TP, các cơ quan ban ngành và quận/huyện trên địa bàn TP và bộ ngành trung ương, chưa tính họp nội bộ.

Từ lịch làm việc của các sở, chúng tôi thử thống kê số lượng cuộc họp trong ba tháng 6, 7, 8 theo thư mời và trong nội bộ thì Sở TN&MT có tới 593 cuộc (255 cuộc ngoài Sở), Sở Xây dựng là 425 cuộc (135 cuộc ngoài Sở)…

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP, cho hay các cuộc họp gần như chiếm trọn thời gian trong ngày của ông. Do đó mỗi ngày ông Thắng thường dành khoảng bốn tiếng ngoài giờ để xử lý hồ sơ. Đó là chưa kể khi xem xét các hồ sơ, nếu văn bản chưa rõ thì ông phải tranh thủ thời gian ngoài giờ như trên đường đi làm về tới thực tế các dự án để đối chiếu và ra quyết định.

Theo ông Thắng, hiện nay việc giải quyết hồ sơ đều theo quy trình ISO nên mỗi hồ sơ chỉ được giải quyết 1-3 ngày là trả ra. Do đó nếu không sắp xếp thời gian khoa học, trả hồ sơ chậm một khâu là cả quy trình sẽ bị chậm theo.

“Đặc thù của ngành TN&MT là hồ sơ của người dân, doanh nghiệp rất nhiều và phức tạp. Nhiều vấn đề không thể giải quyết qua văn bản nên phải họp để thống nhất xử lý” - ông Thắng nói. Tuy nhiên, Giám đốc Sở TN&MT cũng cho biết sở đang có kế hoạch rà soát, trong nội bộ có gì vướng mắc mới đăng ký lịch họp với lãnh đạo sở. “Bản thân ban giám đốc cũng phải rà soát mình trước và sắp xếp thời gian hết sức khoa học” - ông Thắng nói.

Tranh thủ làm việc cả trên xe, máy bay

Cũng “nóng” không thua gì Sở TN&MT nhưng hơn một năm nay Sở Xây dựng bị khuyết hai vị trí phó giám đốc. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc sở này, cho biết hiện ông phải choàng gánh công việc của một phó, hai phó còn lại ôm thêm việc của một phó đang khuyết. “Nhiều cuộc họp ban giám đốc sở đi không hết nên đành phải cử trưởng/phó phòng chuyên môn đi dự rồi về báo cáo lại” - ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, cá nhân ông trước đây có đủ bốn phó giám đốc thì mỗi tuần có thể sắp xếp được hai buổi trống để xử lý hồ sơ nhưng hiện nay phải làm ngoài giờ 4-5 tiếng mới đủ.

Khi PV tới Sở Xây dựng trao đổi về vấn đề họp tại Sở thì đã gần 6 giờ tối. Trên bàn làm việc của ông Tuấn chất đầy hồ sơ. Chỉ vào chiếc cặp táp căng phồng, ông Tuấn cho biết đó là hồ sơ ông phải mang về nhà để buổi tối xử lý. “Nhiều khi đi công tác, ngồi trên xe hoặc trên máy bay cũng phải mở máy tính ra làm việc, khi có kết nối Internet thì gửi về” - ông Tuấn chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy