Người dân bị kiểm tra CMND trong trường hợp nào?

Sau vụ việc hai cô gái đi uống cà phê bị đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM vì không xuất trình được CMND nhiều bạn đọc bày tỏ thắc mắc rằng: Người dân bị kiểm tra CMND trong trường hợp nào?

Luật sư (LS) Đoàn Văn Nên – Đoàn LS TP.HCM chỉ ra 5 trường hợp công an được kiểm tra CMND của công dân hoặc đối tượng có hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật:

 - Công an được quyền kiểm tra CMND người dân khi họ cư trú trên địa bàn quản lý. Đây là việc kiểm tra cư trú định kỳ, đột xuất để phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Trong đó đối tượng được kiểm tra là công dân ở các hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú. Đồng thời, nếu công an cấp trên kiểm tra tại địa bàn dân cư, thì phải có cán bộ công an nhân dân và công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến (Theo quy định tại điều 25 và điều 26 Thông tư 35/2014/TT-BCA)

- Công an kiểm tra CMND khi người dân phạm tội quả tang hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như: kiểm tra người, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang (Theo khoản 6 Điều 9 Pháp lệnh Công an xã 2008).

- Công an cũng có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân của công dân khi thực hiện công tác xử lý vi phạm (Theo Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính).

 - CSGT thực hiện việc kiểm tra CMND với người tham gia giao thông (Theo Điều 14 Thông tư 1/2016) trong các trường hợp Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện hỗ trợ phát hiện người vi phạm luật giao thông đường bộ; hoặc thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn giao thông của Trưởng phòng CSGT TP hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.

- Ngoài ra, Theo quy định tại điều 5, điều 6 Quyết định 29/2017/QĐ-UBND ngày 19-7-2017 của UBND TP.HCM về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP thì công an cũng có quyền kiểm tra CMND.

CSGT có quyền kiểm tra CMND của người dân khi họ vi phạm luật giao thông. Ảnh: L. THOA

LS Nên khẳng định, với các trường hợp nêu trên thì công an chỉ được kiểm tra giấy tờ hành chính người dân theo kế hoạch hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nghi ngờ vi phạm pháp luật trong địa bàn quản lý. Những trường hợp kiểm tra tùy tiện là sự lạm quyền.

Trong trường hợp người dân không xuất trình chứng minh thư khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

 

LS Nguyễn Sơn Lâm – Đoàn LS TP.HCM khẳng định không có quy định nào trong luật bắt buộc người dân phải luôn đem CMND bên mình và cũng không xử phạt về hành vi không mang theo CMND, chỉ xử phạt về hành vi không xuất trình được CMND khi kiểm tra.

Tuy nhiên, LS Đặng Thành Trí cũng khuyên việc luôn mang theo CMND ra đường là cần thiết vì CMND là giấy tờ định danh, xác định nhân thân, có giá trị thực hiện các giao dịch của bản thân và giải quyết được nhiều rắc rối, rủi ro.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm