Người dân bức xúc nhất là công tác cán bộ

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã có một số nhận xét về công tác cán bộ tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nghị do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 27-11.

Đánh giá, bố trí cán bộ rất vất vả

Theo ông Phạm Minh Chính, hiện nay người dân bức xúc nhất cũng là liên quan đến công tác cán bộ, với trên 50%. “Tổ chức đảng thì cồng kềnh, chồng chéo nhiều tầng nấc và hoạt động kém hiệu quả. Đảng viên thì có một bộ phận không nhỏ suy thoái. Rõ ràng chúng ta đang có vấn đề. Đại hội 6 kết luận: Sai lầm của mọi sai lầm của Đảng ta đều xuất phát từ công tác cán bộ” - ông Chính nói.

“Bây giờ phải xây dựng cán bộ như thế nào?” - ông Chính đặt vấn đề cho rằng trong chiến tranh, vấn đề đánh giá cán bộ dễ hơn bây giờ, lợi ích nhóm giữa cán bộ với nhau ít hơn so với hiện nay. Bây giờ đánh giá, bố trí cán bộ rất vất vả, tạo được sự đồng thuận rất khó. “Cũng một tính cách nhưng có đồng chí thì đánh giá là rất xông xáo quyết liệt, rất chủ động và sáng tạo nhưng đồng chí khác lại đánh giá là liều lĩnh, vội vàng quá và thiếu chín chắn. Hai người nhìn với hai quan điểm khác nhau là ra sản phẩm khác nhau. Một con người mà có hai sản phẩm khác nhau thì khi bố trí sử dụng rất khó” - ông Chính dẫn chứng.

Ông Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Từ đó, ông Chính đề nghị phải phát huy tính dân chủ trong công tác lựa chọn, bố trí cán bộ. “Nếu có lợi ích cá nhân trong bố trí cán bộ thì sẽ cứ bùng nhùng, rất khó đánh giá và khó bố trí, nhất là ở người đứng đầu. Người đứng đầu mà không trong sáng, không vô tư, không vì cái chung mà vì cái riêng cho mình thì đánh giá sẽ khác, bố trí sẽ khác và làm cho tập thể rất lúng túng” - ông Chính nói.

Ông Chính yêu cầu TP.HCM phải xem khâu đánh giá cán bộ là một giải pháp quan trọng, tất yếu. “Bây giờ cán bộ được học hành đầy đủ nhưng thiếu thực tiễn. Như cán bộ Đoàn, muốn trưởng thành thì phải đi những nơi khó khăn, những địa phương nghèo để trải nghiệm tốt hơn. Còn đi những nơi trung tâm du lịch thì sao mà đánh giá được cán bộ” - ông Chính nói. Ông cũng lưu ý TP.HCM cần làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, rà soát lại để tinh gọn bộ máy và làm tốt các quy định về chống chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp.

2018: Rà soát, sắp xếp lại bộ máy, biên chế

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP rất quan tâm đến công tác cán bộ, làm rất kỹ công tác cán bộ nữ và cán bộ trẻ. TP cũng rất quan tâm đến tạo nguồn cán bộ với ba chương trình tạo nguồn: Nguồn có tri thức cao (thông qua chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ), tạo nguồn cán bộ trẻ và cán bộ có nguồn gốc từ công nhân. “Đây là những đặc thù và nếu TP.HCM phát huy được tốt các chương trình này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của TP và cả nước” - ông Nhân nói.

Rơi rụng nhân tài

Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hữu Hiệp cho biết sau ba năm thực hiện thí điểm chủ trương thu hút chuyên gia khoa học công nghệ, TP.HCM đã tiếp nhận 22 chuyên gia, nhà khoa học (có bốn người nước ngoài) vào làm việc. Tuy nhiên, đến tháng 6-2017, do một số chính sách của TP chưa đáp ứng được theo đề nghị, mong muốn của một số chuyên gia nên hiện giờ chỉ còn 12 người.

Về công tác đánh giá, phân loại cán bộ, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết về cơ bản TP “chưa có sáng tạo”. “Đánh giá cán bộ cần nhiều chiều. Muốn đánh giá cán bộ đúng thì phải để cấp dưới nhận xét lãnh đạo thế nào, cấp trên đánh giá khi giao nhiệm vụ được đảm đương ra sao và đồng nghiệp hàng ngang cũng có ý kiến” - Bí thư Nhân nói. Ông cũng kiến nghị Trung ương có hướng dẫn về quy trình đánh giá cán bộ có lên có xuống, cấp dưới nhận xét cấp trên, đồng nghiệp đánh giá và cấp trên đánh giá.

Bí thư Nhân cho biết sắp tới TP.HCM sẽ rà soát bộ tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá cán bộ. Trong đó, gắn yêu cầu cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ có uy tín thấp kéo dài, cán bộ không giải quyết được công việc ở đơn vị mình thì phải điều chuyển mà không cần đợi đến khi có hình thức kỷ luật.

“Lần này yêu cầu rõ như thế. Trong Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi, Tổng Bí thư cũng đã nêu cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, để khó khăn kéo dài thì phải sắp xếp điều chuyển. TP.HCM sẽ quan tâm, sớm triển khai công tác này” - ông Nhân nhấn mạnh. Ông cho biết TP cũng sẽ làm quyết liệt và trong năm tới sẽ triển khai cụ thể đề án sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6.

Cần cơ chế để xin người nơi khác về làm lãnh đạo

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã kiến nghị với Trung ương nhiều nội dung, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề lãnh đạo người địa phương. “Giả sử người TP.HCM không được lãnh đạo TP.HCM thì phải có chương trình để TP đi xin người nơi khác về lãnh đạo TP. Thế nhưng các tỉnh, thành đâu có nhu cầu quy hoạch cán bộ cho TP.HCM. Họ cũng không quy hoạch người của TP.HCM về lãnh đạo họ. Chưa có cơ chế này” - ông Nhân nói và kiến nghị Trung ương lưu ý, sớm có hướng dẫn về vấn đề này.

Bí thư Nhân cũng đề nghị Trung ương cho phép Học viện Cán bộ TP.HCM được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị. “Hôm nay thay mặt Thường vụ Thành ủy, tôi thiết tha đề nghị đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho phép Học viện Cán bộ TP được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị. Các đồng chí cho rõ đầu bài, yêu cầu trình độ gì, cán bộ gì, TP sẽ nỗ lực thực hiện, nếu còn thiếu thì TP sẽ hợp đồng với các cơ quan trung ương để tổ chức đào tạo” - ông Nhân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm