Nhà dân ngập vì nâng đường, ai chịu trách nhiệm?

Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu (ĐB) đặt ra tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM (khóa IX) chiều 3-8.

Hàng trăm hộ dân, hàng chục cơ quan bị ảnh hưởng

Liên quan đến dự án cải tạo đường Kinh Dương Vương ở quận Bình Tân, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình tân) cho rằng mục đích cải tạo tuyến đường này là đúng nhưng lại làm cho người dân quá khổ sở. “Khi quyết định làm dự án, các cơ quan chức năng như Sở GTVT, Trung tâm Chống ngập có tính đến việc nhà dân bị ảnh hưởng thế nào chưa? Quy trình thì nói chặt chẽ nhưng thực tế lại có độ chênh như vậy thì ai phải chịu trách nhiệm? Phương án thi công chính thức sau khi gút lại là gì, bao giờ xong dự án? TP sẽ hỗ trợ người dân như thế nào?” - bà Trâm đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Đạt (quận Bình Tân) đề nghị cần khảo sát lại xem đoạn nào có thể hạ thấp độ cao xuống tối đa thì làm và có chính sách hỗ trợ người dân, cả về hạ tầng điện, nước. ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân nói thêm có 466 hộ dân bị ảnh hưởng, có 27 đơn vị cơ quan, trong đó có hai trường học sẽ tác động nhiều trong năm học mới. Do đó ĐB Trân đề nghị UBND TP chỉ đạo sớm thực hiện dự án.

Trả lời các ĐB, ông Võ Thanh Huy - Trung tâm Chống ngập nước TP.HCM cho biết: Sau khi có kết luận của chủ tịch UBND TP, hiện trung tâm đã đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Cùng đó, đã yêu cầu UBND quận Bình Tân nghiên cứu chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, yêu cầu Sở GTVT chủ trì để tìm cách hạ vỉa hè xuống. Ngày 1-8-2016, trung tâm có văn bản báo cáo Sở GTVT về việc hạ thấp cao độ của tuyến đường Kinh Dương Vương và đã hạ tim đường 25 cm.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban An toàn giao thông TP.HCM, trình bày các nguyên do dẫn đến tai nạn giao thông gia tăng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ba nguyên do làm gia tăng tai nạn giao thông

ĐB Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đặt vấn đề: Hiện nay tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TP.HCM tăng, như vậy giải pháp nào để kéo giảm TNGT. Trong khi đó, lượng người tham gia giao thông từ đây đến cuối năm tăng do bắt đầu năm học mới, số lượng xe cá nhân tăng, nhất là ở các cửa ngõ TP.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, khẳng định tình hình TNGT trên địa bàn TP trong sáu tháng đầu năm 2016 tăng cả ba mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Nguyên nhân chính chiếm 80%-90%, theo ông Tường, là do ý thức người tham gia giao thông. Ở khía cạnh này, ông Tường cho rằng phải tăng cường công tác tuyên truyền. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…

Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP cũng khẳng định việc không đảm bảo trật tự lòng, lề đường cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT tăng. Theo ông Tường, hằng năm bình quân có gần cả trăm người tử vong vì đi bộ không đúng nơi quy định, trong đó có lý do là vỉa hè, lề đường bị lấn chiếm nhiều quá.

Ông Tường cho rằng trật tự lòng, lề đường ở TP chưa có chuyển biến cao, lúc ra quân thì dẹp sạch nhưng sau đó lại tái diễn. Do đó, phải quy trách nhiệm người đứng đầu tại địa phương như thế nào để giải quyết tình trạng này. Bởi trật tự lòng, lề đường được đảm bảo thì TNGT cũng giảm.

Ngoài ra, ông Tường cho biết thêm phương tiện giao thông hiện nay tăng rất cao, năm 2015 trở về trước bình quân một ngày tăng 1.000 xe máy, khoảng 100 ô tô. Nhưng từ sáu tháng lại đây, ô tô tải, đầu kéo, xe container tăng rất dữ, tăng bình quân 180 chiếc một ngày, có ngày tới 250 chiếc. Loại phương tiện này tăng rất nhanh nhưng lực lượng tài xế đáp ứng yêu cầu lái là không đủ sức, dẫn đến tình trạng các tài xế phải chạy nhiều thời gian trong ngày, dẫn đến buồn ngủ, gây TNGT. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT tăng cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm