Nhà máy chạy thử và mối họa môi trường

“Thời gian gần đây, có nhiều sự cố môi trường xảy ra vào thời điểm dự án đang được vận hành thử nghiệm. Điều đó cho thấy công tác quản lý, giám sát trong thời điểm nhạy cảm này chưa được chặt chẽ, nếu không muốn nói là còn quá lỏng lẻo” - nhiều chuyên gia môi trường bày tỏ lo ngại sau một số vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là vụ Formosa.

Dự án càng to, mối lo càng lớn

Cuối tháng 7-2016, có mặt ở khu vực gần cụm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh, chúng tôi thấy những luồng khói đen ngòm từ cột khói khổng lồ đang tỏa ra môi trường suốt ngày đêm. “Khói đen là do nhà máy đang vận hành thử nghiệm, khi đã vận hành chính thức, ổn định thì khói sẽ hết đen (!?)” - ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh, giải thích.

Vậy khói đen như thế gây ô nhiễm như thế nào? Chúng tôi đặt câu hỏi và không khỏi ngạc nhiên khi ông Tuấn cho biết các kết quả quan trắc cho thấy khí thải vẫn… đạt quy chuẩn cho phép. Chúng tôi hỏi tiếp: Đơn vị nào giám sát kết quả quan trắc? Ông Tuấn mới cho hay việc này do chủ đầu tư thực hiện và gửi thông tin cho Chi cục Bảo vệ môi trường qua email theo định kỳ chứ Chi cục chưa kết nối online để theo dõi kết quả quan trắc thường xuyên.

Người dân nghề muối ở Cồn Cù (xã Đông Hải, Duyên Hải, Trà Vinh) cho rằng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải này xả khói làm muối đen, rớt giá nên yêu cầu bồi thường. Ảnh: TRUNG THANH

Cách trả lời của cơ quan bảo vệ môi trường tỉnh Trà Vinh khiến chúng tôi nhớ tới hai sự cố môi trường lớn gây xôn xao dư luận gần đây. Ở miền Trung, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4, Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm một số công trình quan trọng như dự án Nhà máy nhiệt điện (tổ máy 1); trạm xử lý nước thải; xưởng phân tách khí, luyện cốc... Trước khi chạy thử, công ty thuê nhà thầu súc rửa các đường ống với khối lượng hóa chất sử dụng lên đến 1.260 tấn. Toàn bộ quá trình này đã không được cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ, dẫn đến sự cố môi trường nghiêm trọng sau đó.

Mới đây, trong lúc vận hành thử nghiệm Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) cũng xảy ra sự cố tràn xút ra môi trường. Sau sự cố, người dân địa phương cho biết cá trên suối bị chết rất nhiều, người dân khi lội suối cũng bị bỏng da.

Lợi dụng thử nghiệm gây ô nhiễm?

TS Tô Vân Trường, chuyên gia về lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường, cho rằng trong vụ Formosa đã lộ ra lỗ hổng về công tác kiểm tra, giám sát môi trường của Bộ TN&MT và Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh. “Trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, Formosa gửi rất nhiều văn bản báo cáo lên Bộ TN&MT và Sở TN&MT tỉnh nhưng các cơ quan này đã không có động thái gì, cũng không đến giám sát…” - GS-TS Bùi Cách Tuyến, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, từng nhấn mạnh khi trả lời trên một tờ báo mới đây.

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH TN&MT TP.HCM, cho rằng quá trình vận hành thử nghiệm nhiều khi chưa đạt được quy chuẩn môi trường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, quan trọng là cơ quan nhà nước phải kiểm tra, giám sát như thế nào đối với các dự án đang thử nghiệm. Ông Tuấn chia sẻ: “Tôi có tham gia các đoàn kiểm tra và nhận thấy có nhiều vấn đề như có những nhà máy khi vận hành thử nghiệm không xin phép cơ quan có thẩm quyền. Hoặc có nhà máy khi chạy thử không đạt yêu cầu bèn tự ý kéo dài thời gian thử nghiệm nhưng không xin gia hạn”.

Vì vậy, PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn đề nghị các cơ quan quản lý phải đặc biệt chú ý đến hai vấn đề có thể xảy ra trong thời điểm vận hành thử nghiệm. Đó là có những nhà máy lợi dụng thời gian thử nghiệm để xả thải không qua xử lý để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, cũng có những nhà máy vận hành thử nghiệm nghiêm túc nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn. Do đó, các cơ quan quản lý có những hình thức giám sát hợp lý, có những hướng dẫn kịp thời để các nhà máy hoạt động ổn định nhưng không gây ô nhiễm cho môi trường.

Thiếu quy định hay thiếu trách nhiệm?

* Không giám sát rồi đi đổ cho nhau

Theo quy định, chủ đầu tư dự án sẽ lập kế hoạch vận hành thử nghiệm nhà máy và gửi cho Bộ TN&MT hoặc Sở TN&MT (cấp nào phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì gửi cho cấp đó). Sau khi được sự đồng ý, chủ đầu tư sẽ vận hành thử nghiệm trong sáu tháng.

Khi hoàn thành giai đoạn vận hành thử nghiệm, chủ đầu tư báo cáo để Bộ TN&MT hoặc Sở TN&MT đến kiểm tra, cấp phép cho nhà máy vận hành chính thức.

Tuy nhiên, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm do chưa có quy định bắt buộc phải tổ chức giám sát nên trên thực tế có rất ít trường hợp được giám sát, kiểm tra. Vì thế, khi xảy ra sự cố môi trường trong giai đoạn này, các đơn vị liên quan thường đổ lỗi qua lại cho nhau.

Một cán bộ thanh tra môi trường

* Không quy định cụ thể nhưng phải có trách nhiệm

Luật Bảo vệ Môi trường 2014 không quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể giám sát được hoạt động của các nhà máy trong giai đoạn này.

Bởi vì theo luật này, cơ quan nào phê duyệt ĐTM thì cơ quan đó phải có trách nhiệm giám sát, kể cả khi nhà máy vận hành thử nghiệm. Nếu Bộ TN&MT ở xa, nhân lực ít, không tổ chức giám sát hết được các dự án thì yêu cầu Sở TN&MT tổ chức giám sát.

Ngoài ra, trong trường hợp dự án do Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM thì Sở TN&MT nơi có dự án với vai trò là cơ quan quản lý môi trường địa phương vẫn có thể giám sát, kiểm tra được.

LÊ THỊ KIM OANH, nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm