Nhà nước sẽ không mua lại ngân hàng quá yếu kém

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) chiều 20-11 đã khẳng định nội dung này.

Theo đó, một số ý kiến đề nghị trong trường hợp không thực hiện được phương án chuyển giao bắt buộc và phá sản TCTD yếu kém thì cần quy định Nhà nước phải thực hiện vai trò người mua cuối cùng.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết: Dự thảo luật đã bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc và quy định một số biện pháp hỗ trợ khi thực hiện phương án này, thực chất là cho TCTD thêm cơ hội để phục hồi.

Ông Vũ Hồng Thanh: "Nhà nước mua lại các TCTD quá yếu kém sẽ tạo gánh nặng, rủi ro và không phù hợp quy luật thị trường".

“Trường hợp không thể thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc thì thực lực của TCTD đã quá kém, nếu Nhà nước mua lại cũng sẽ tạo gánh nặng và rủi ro, không phù hợp với quy luật thị trường. Do vậy, xin giữ quy định như dự thảo luật” - ông Vũ Hồng Thanh báo cáo.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung việc xem xét gia hạn thời gian thực hiện phương án khắc phục trong trường hợp đặc biệt, phức tạp nhưng không quá sáu tháng.

Ông Vũ Hồng Thanh cho hay: Khi TCTD lâm vào một trong các trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 130a thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu TCTD thực hiện phương án khắc phục trong thời hạn một năm.

Trong quá trình khắc phục đã có quy định về điều chỉnh phương án; trường hợp hết thời hạn thực hiện phương án mà vẫn không khắc phục được thì Ngân hàng Nhà nước yêu cầu TCTD áp dụng một hoặc một số biện pháp theo quy định của luật. Như vậy, dự thảo luật đã quy định rõ thời gian TCTD tự khắc phục và biện pháp xử lý khi TCTD không tự khắc phục được.

“Do vậy, không nên gia hạn, kéo dài thêm thời gian tự khắc phục, có thể làm trầm trọng hơn thực trạng của TCTD đó” - ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Mặt khác, cũng có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “theo cơ chế giá thị trường” vì quy định giá do tổ chức kiểm toán độc xác định đã là một trong ba căn cứ xác định giá thị trường theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Ý kiến này được đưa ra khi bàn về giá chuyển nhượng phần vốn góp trong trường hợp chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, vốn điều lệ đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày luật này có hiệu lực

Ông Vũ Hồng Thanh báo cáo thay Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng: Trên thực tế, giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ có thể âm song giá bán có thể bằng 0 đồng hoặc cao hơn 0 đồng. Giá bán phần vốn góp vẫn phải do thị trường quyết định dựa trên sự đánh giá, xác thực về tài chính của tổ chức kiểm toán độc lập xác định.

Việc xác định của tổ chức kiểm toán độc lập chỉ là bảo đảm tính chính xác của tài sản, vốn của TCTD, không thể coi đó là một yếu tố định giá, do vậy việc mua bán phải theo cơ chế giá thị trường, bao gồm cả yếu tố thỏa thuận giữa các bên.

Với 88,8% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm