Nhà trái phép: Đèn lúc xanh lúc đỏ!

Chi tiết hơn, theo một lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng thì Nghị định 121/2013 (xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng) chuẩn bị được sửa đổi theo hướng “những công trình vi phạm xây dựng sau ngày 30-11-2013 (thời điểm Nghị định 121/2013 có hiệu lực) không được nộp tiền để tồn tại mà bị buộc phá dỡ” (Pháp Luật TP.HCM ngày 4-10).

Sẽ dễ chấp nhận hơn nếu quá trình triển khai mới bộc lộ ra những hạn chế, khiếm khuyết mà trong thời gian xây dựng nghị định cấp thẩm quyền đã không thể tiên liệu được. Đằng này ngay từ khi còn là dự thảo thì dự kiến nộp tiền “chuộc” nhà xây dựng trái phép đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong số đó có rất nhiều ý kiến không đồng thuận. Thay vì xem xét thận trọng và cố gắng phân tích thiệt hơn thì Bộ tiếp tục bảo lưu để rồi chỉ khoảng 10 tháng thực thi phải tính đến việc điều chỉnh. Có thể ai đó ở Bộ đã hết sức đơn giản “sai thì sửa chứ gì” nhưng nghĩ kỹ lại sẽ thấy việc “quyết rồi rút” trong trường hợp này là sự phung phí uy tín, hình ảnh và ngân sách nhà nước trong việc ban hành một quy phạm pháp luật thiếu thuyết phục, không hợp lý.

Theo quy định trước giờ, hễ có hành vi vi phạm xây dựng là bị lập biên bản ngừng thi công/đình chỉ thi công, chủ đầu tư phải tự phá dỡ hoặc bị cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Thế nhưng với Nghị định 121 thì có ngoại lệ: Nhà trái phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp… được phép tồn tại với điều kiện phải nộp 40% giá trị phần xây dựng trái phép (con số này là 50% đối với các công trình khác). Tính ra, cùng nhà trái phép nhưng chính quyền lúc đập, lúc tha, đồng nghĩa với việc cùng có hành vi vi phạm nhưng tùy khả năng đáp ứng các điều kiện của Nghị định 121 mà có người khóc (hầu hết là người nghèo do xây nhà trên đất không hợp pháp nên bị đập bỏ), người cười (đa số là người giàu thường xây lố tầng nhưng không bị “cắt ngọn”). Lẽ ra là những ràng buộc để tạo ra ý thức cùng với hành vi “phải xây dựng theo giấy phép và đúng với giấy phép xây dựng được cấp” thì nghị định này dễ khiến nhiều người từ chỗ không muốn vi phạm cũng thành vi phạm do “anh vi phạm mà được tồn tại thì tôi cũng sẽ vi phạm” (như nhận định của một phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội).

Vậy nên mặc dù Bộ Xây dựng nhiều lần lý giải “nếu buộc phá dỡ thì gây lãng phí lớn cho xã hội…” hoặc giải thích “châm chước đó chỉ dành cho các căn nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng” thì dư luận vẫn cứ thấy “pháp luật gì mà bất nhất, vẽ đường cho tiêu cực phát sinh!”. Trên thực tế, Nghị định 121 đã “bật đèn xanh” cho nhiều công trình lớn liên tiếp sai phạm. Gây “ấn tượng” hơn cả là công trình xây dựng khách sạn tám tầng (cao hơn bốn tầng so với giấy phép được cấp) tại Phan Thiết (Bình Thuận) của Tập đoàn Mường Thanh (Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - chủ đầu tư hệ thống khách sạn Mường Thanh). Mặc cho chính quyền địa phương nhiều lần tới lập biên bản, yêu cầu đình chỉ thi công, đồng thời cắt điện và nước của công trình nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp để tiếp tục thi công. Không biết có phải nhà lớn thì khó đập hơn nhà nhỏ mà có vẻ như chính quyền tỉnh Bình Thuận đang chùng tay trước “quyết tâm vi phạm” của chủ đầu tư khi muốn “tha bổng” phần diện tích sai phép dẫu đây không hề thuộc trường hợp được Nghị định 121 “chiếu cố”.

Với việc lấy ngày 30-11-2013 làm mốc thời gian thực hiện việc “xí xóa” (vi phạm trước ngày này thì mới cho phép nộp tiền “chuộc”, vi phạm sau ngày này thì phải tháo dỡ), ắt rằng Bộ Xây dựng đang muốn khép lại những sự vụ đã rồi, đồng thời đưa ra “thông điệp” sẽ mạnh tay với những vi phạm mới. Lần này mong là chính quyền sẽ không còn phải “lót tót” chạy theo sau để hợp thức hóa sai phạm của các chủ đầu tư mà thực chất là hợp thức hóa cho sự yếu kém trong quản lý của mình.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm