Nhận 1 triệu m3: Đừng lấy vùng biển quý ra 'thí nghiệm'

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Bình Thuận, ngày 13-7, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), đã dành gần một giờ đồng hồ để thông tin thêm xung quanh việc cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm hơn 918.000 mét khối chất nạo vét tại khu vực gần khu bảo tồn Hòn Cau (Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận). 
"Bộ TN&MT hết sức thận trọng, trách nhiệm trước nhân dân"
Trước rất nhiều thông tin lo ngại của dư luận và các nhà khoa học về tác động của việc nhấn chìm khối chất thải trên đến khu bảo tồn biển Hòn Cau, ông Sơn cho biết: Trước khi cấp phép, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã xem xét rất chi tiết về hồ sơ nhận chìm, tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục biển hải đảo VN đang trình bày dự án cho nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát xuống vùng biển Tuy Phong, trước HĐND tỉnh Bình Thuận.

Theo ông Sơn, Bộ TNMT hết sức thận trọng, trách nhiệm trước nhân dân, nhà nước để xem xét cụ thể cấp phép. Do khu vực đề nghị nhận chìm hết sức nhạy cảm, cách Hòn Cau 8 km, là vùng nước trồi, có tầm quan trọng không những đối với ngư trường thủy sản, mà còn ảnh hưởng đời sống nhân dân. Vì thế, trong quá trình thẩm định hồ sơ, các ủy viên hội đồng quan tâm đến môi trường, việc nhận chìm phải được đảm bảo môi trường. Các giải pháp đưa ra được thẩm định một cách chặt chẽ và tỉ mỉ, chú trọng tối đa đến môi trường.
Ông Sơn cho hay vật chất nhận chìm không phải là chất xả thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, không phải chất thải của quá trình nạo vét của công trình, mà đó là chất thải của biển nên đưa về biển. Theo ông Sơn, qua phân tích các phóng xạ chất độc đều không vượt quá quy chuẩn cho phép; không chứa các chất độc hại vượt quá ngưỡng, nằm trong danh mục được Chính phủ ban hành.
Ông Sơn tiếp, giải pháp để bảo vệ môi trường, hạn chế ngăn ngừa phát tán bùn thải trong quá trình nhận chìm cũng đã được Bộ TNMT tính tới. Trên cơ sở đó, việc nhận chìm có thể kiểm soát được, tác động đến Hòn Cau là không đáng kể. Tuy nhiên, Bộ TN&MT cũng yêu cầu cần có chương trình quan trắc giám sát đối với toàn bộ việc nhận chìm. Giấy phép đã qui định có một chương trình quan trắc giám sát độc lập của Viện Hải Dương Học đã đề ra 13 điểm quan trắc khống chế toàn bộ khu vực phải quan tâm bảo vệ.

Bản đồ vị trí nhận chìm khối chất nạo vét khổng lồ xuống vùng biển Tuy Phong. 

Hiện tỉnh Bình Thuận đang thành lập tổ công tác gồm 29 người, Bộ TN&MT cũng thành lập tổ kiểm tra liên ngành phối hợp với Hải Dương Học trực tiếp kiểm tra. Ông Sơn cũng nhấn mạnh: Trách nhiệm Bộ TNMT phải kiểm soát hoạt động nhận chìm theo giấy phép, khối lượng chuyên chở, đường đi, vị trí nhận chìm. Yêu cầu công ty lắp hệ thống tự động và lắp camera, có người trực thường xuyên. Vừa quan trắc về thông số, vừa quan trắc hiện trường.
Theo người đại diện của Bộ TNMT, việc nhận chìm có thể xảy ra tác động khi một lớp bùn cát, sét phủ lên rạn san hô, gây đục nước biển. “Vấn đề bây giờ là khi thi công phải làm sao giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại này nếu nó xảy ra”- ông Sơn nói và dẫn chứng bằng bản đồ vị trí nhận chìm, được trình chiếu ngay tại kì họp HĐND tỉnh. 

"Phải bảo vệ bền vững, đừng mang ra thí nghiệm"

Trước phần trình bày của ông Sơn, ĐB Nguyễn Toàn Thiện đặt vấn đề: “Ông bà ta thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh, ở đây vùng biển Bình Thuận giống như bị đưa ra làm thí nghiệm, kiểu cứ nhấn chìm rồi khi có sự cố thì dừng vậy sao gọi là phòng chống ô nhiễm được? Rừng vàng, biển bạc, phải có kế hoạch duy trì bảo quản bền vững chứ không thể thí nghiệm được”.
ĐB Nguyễn Toàn Thiện chất vấn đại diện Bộ TN&MT
Vị đại diện Bộ TN&MT cho rằng sẽ mời người dân và cả báo chí tham gia giám sát. “Đây không phải là thí nghiệm như có đại biểu đã nói mà đây là cách làm từng bước có giám sát chặt chẽ khi có sự cố là phải dừng ngay.”
Trao đổi bên lề cuộc họp đại biểu Nguyễn Toàn Thiện cho rằng ngoài những giải pháp mà Bộ TN&MT vừa nêu cần phải mời các nhà khoa học về hải dương xem xét một cách toàn diện khu vực vùng biển Tuy Phong.  Từ đó mới có các kết luận, luận cứ khoa học để đảm bảo cho vùng nước trồi tốt nhất Châu Á và đảm bảo sinh thái cho Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho sinh kế của người dân và vùng nuôi tôm giống tốt nhất cả nước này không bị xâm hại.
Trước đó mở đầu phiên thảo luận vào vào sáng 12-7, Đại biểu Hồ Trung Phước cũng cho rằng cần tăng cường hơn nữa việc quản lý khai thác khoáng sản, chống thất thu thuế về khai thác khoáng sản, quan tâm hơn nữa về bảo vệ môi trường, các khu công nghiệp, nhất là nhiệt điện Vĩnh Tân.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho hay đối với giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m3 trên biển Bình Thuận của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, Bộ TN&MT, đơn vị cấp phép sẽ có báo cáo cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh. “Đây là việc trọng yếu, UBND tỉnh sẽ có trách nhiệm trước nhân dân. Việc nhận chìm bùn, cát sau nạo vét phải được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, chính xác và khoa học. Nếu để xảy ra sự cố phải dừng ngay và tỉnh đang chuẩn bị có kiến nghị với Chính phủ, Bộ TN&MT phải có kế hoạch giám sát việc này”, ông Hai nói.
 Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Hải cho biết, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,68%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11.307 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 170,9 triệu USD. Tổng thu ngân sách được 5.201 tỷ đồng tăng so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa được 3.302 tỷ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm