Nhiều “ông lớn” vi phạm về môi trường

“Nuôi cá bè trên sông Đồng Nai giống như đánh cược với các nhà máy ô nhiễm. Mình nuôi kỹ bao nhiêu cũng thất bại nếu họ cứ xả nước bẩn ra sông” - ông Nguyễn Đình Thắng, người nuôi cá bè lâu năm trên sông Đồng Nai, bộc bạch. Lo lắng của ông Thắng là có cơ sở, vì theo kết luận thanh tra môi trường của Bộ TN&MT vừa ban hành cuối tháng 2, hiện vẫn còn nhiều khu công nghiệp (KCN), nhà máy lớn trên lưu vực sông Đồng Nai vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Phập phồng KCN đầu nguồn

Cuối năm 2011, Bộ TN&MT tổ chức nhiều đoàn thanh tra môi trường ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai... và phát hiện khá nhiều vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Đồng Nai.

Đầu tư hạ tầng từ năm 2004, đến nay KCN Lộc Sơn (Lâm Đồng) đã có 29 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó 12 dự án đã hoạt động. Thế nhưng hiện KCN này vẫn chưa có hệ thống thu gom nước thải, chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), cũng chưa có giấy phép xả thải. Tương tự, KCN Phú Hội (Lâm Đồng) có khoảng 80% diện tích đất cho thuê được lấp đầy nhưng cũng chưa có hệ thống thu gom, XLNTTT.

Nhiều “ông lớn” vi phạm về môi trường ảnh 1

Người nuôi cá bè trên sông La Ngà thuộc hệ thống sông Đồng Nai luôn lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm bởi các nhà máy xả nước dơ. Ảnh: TRUNG THANH

Tại Bình Phước, KCN Chơn Thành (huyện Chơn Thành) dù đã đi vào hoạt động nhưng cũng chưa có trạm XLNTTT. Theo Thanh tra Bộ TN&MT, KCN này đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng chưa thực hiện đúng chương trình giám sát môi trường định kỳ, chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước...

 "Những KCN chưa có nhà máy XLNTTT hoặc công nghệ xử lý nước chưa đạt quy chuẩn luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao và rất khó kiểm soát. Đây cũng là mối lo cho công tác bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai - dòng sông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - một cán bộ thanh tra Bộ TN&MT nhận định.

Nhà máy lớn,ô nhiễm nhiều

Nhà máy chế biến tinh bột mì Phước Long (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Vedan Việt Nam. Trong quá trình sản xuất, nhà máy sử dụng nhiên liệu gồm: dầu FO, dầu DO và gas, các loại hóa chất gồm lưu huỳnh, javen, xút... Nước thải phát sinh của nhà máy khoảng 4.800 m3/ngày đêm, đã được xử lý trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu nước do Đoàn thanh tra Bộ TN&MT thực hiện cho thấy nước thải sau khi xử lý của nhà máy có một số thành phần vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần.

Cũng thuộc lĩnh vực sản xuất tinh bột, Công ty Cổ phần FOCOCEV Bình Phước (huyện Bù Đăng, Bình Phước) có lượng nước thải phát sinh lên đến trên 1.200 m3/ngày đêm. Song kết quả phân tích các mẫu nước lấy tại hai hồ sinh học hiếu khí (trước khi xả ra môi trường) của công ty đều xác định vượt quy chuẩn cho phép từ năm đến 10 lần.

Nằm trên lưu vực sông Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) bắt đầu triển khai dự án Nhà máy chế biến Suối Kè từ năm 2008 trên diện tích 65.300 m2, công suất hơn 7.000 tấn/năm. Hóa chất sử dụng của nhà máy gồm acid formic (khoảng 9,7 kg/tấn sản phẩm), Amoniac (khoảng 0,47 kg/tấn sản phẩm).... Qua kiểm tra, Đoàn thanh tra Bộ TN&MT phát hiện một số khu vực phát sinh nước thải còn có hiện tượng chảy tràn ra hệ thống thoát nước mưa. Ngoài ra, nhà máy có đến ba họng xả nước thải ra môi trường gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và lưu lượng nước thải. Kết quả phân tích mẫu nước sau khi xử lý cũng vượt quy chuẩn cho phép.

Bộ TN&MT yêu cầu các nhà máy vi phạm trên phải khẩn trương khắc phục vi phạm. Chậm nhất đến ngày 31-3 phải báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện về Tổng cục Môi trường.

Bauxite Lâm Đồng có nhiều vi phạm

Trong kết luận thanh tra, Bộ TN&MT yêu cầu Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng xử phạt hành chính đối với hành vi không ký sổ chủ nguồn thải và chuyển giao chất thải nguy hại cho đối tượng không có chức năng xử lý của Ban Quản lý Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng. Ngoài các vi phạm trên, tháng 11-2011 Đoàn thanh tra Bộ TN&MT còn phát hiện khu vực chứa dầu DO ở Dự án bauxite - nhôm Lâm Đồng không có mái che, bờ bao bê tông còn bị khoan lỗ nên váng dầu rò rỉ ra xung quanh.

TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm