Nội đô đầy cao ốc, rồi sẽ ra sao?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra câu hỏi này khi phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29-12.

 “Chấn chỉnh quy hoạch trước khi quá muộn”

Thủ tướng nói: “Có điều rất lạ là tất cả cơ sở di dời ra khỏi nội thành đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ rất cao. Nhiều khu chung cư cao 40-50 tầng dày đặc, gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng giao thông, cấp thoát nước, môi trường. Trong khi từng chúng ta, con em, gia đình đang cần các công viên, công trình công cộng và góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững”.

Từ thực tế này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đặc biệt TP.HCM và Hà Nội nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh công tác quy hoạch đô thị trước khi quá muộn.

Thủ tướng yêu cầu “không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng”.

Thủ tướng cũng cho rằng nếu không sớm khắc phục tình trạng này, trong tương lai ngân sách nhà nước đổ vào không thể đủ để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông.

“Nếu chúng ta không cấm xây chung cư cao tầng trong nội đô thì hàng loạt dự án đô thị ven đô, khu đô thị vệ tinh sẽ không tiếp tục được triển khai, bị bỏ hoang” - Thủ tướng nói thế và nêu ra trường hợp cụ thể - “Không có một lý thuyết quy hoạch nào tại trung tâm Giảng Võ xây dựng chung cư 50 tầng với mấy ngàn căn hộ. Làm sao chịu được? Ai cho phép? Quy hoạch nào cho phép?”.

Thủ tướng đặt câu hỏi: Với 2.800 căn hộ, mỗi nhà giàu có hai ô tô thì đi đường nào?

“Tôi đề nghị ngày 15-12 báo cáo lên đây nhưng đến nay chưa báo cáo. Mảnh đất nào trống, chúng ta cấp cho cao tầng hết thì Hà Nội sẽ ra sao? Nguy cơ này là do chúng ta gây ra” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc tập trung quá nhiều cao ốc vào khu trung tâm đang gây ra những áp lực rất lớn lên giao thông đô thị TP.HCM. Ảnh: HTD

Tham mưu sai cũng phải bị xử lý

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác, Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương ban hành và thực hiện quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2018-2020.

“Phải làm quyết liệt, từ chủ tịch tỉnh, các bộ trưởng phải làm đến nơi đến chốn, không để thất thoát, tham nhũng tiếp tục xảy ra. Kiên quyết xử lý doanh nghiệp, dự án thua lỗ ngàn tỉ không thể phục hồi, nếu để kéo dài thì thiệt hại càng lớn, thất thoát càng lớn” - Thủ tướng chỉ đạo.

Cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu công khai, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, kể cả người tham mưu, không thể để chuyện người tham mưu sai mà không xử lý.

“Bao nhiêu ông tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT tham mưu sai, tham mưu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng… gây hậu quả cho Nhà nước? Chúng ta phải xử lý nghiêm những tiêu cực này để ngăn chặn tham nhũng” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt lưu ý việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nhiệm vụ rất quan trọng.

Trong việc chấn chỉnh đạo đức công vụ, xử lý cán bộ sai phạm, Thủ tướng cho rằng chúng ta có nhiều cơ chế nhưng quyết tâm chính trị chưa cao. “Chỉ có Chính phủ chỉ đạo thì chưa ăn thua. Nếu cơ sở chưa quyết liệt thì có khoảng cách giữa lời nói và hành động”. Thủ tướng nói và nêu dẫn chứng TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã cho thôi việc hai cán bộ ngủ gật khi tiếp dân.

Phải vượt qua lợi ích cục bộ, tư duy nhiệm kỳ

Phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhiều thách thức, khó khăn trong năm 2017. Đáng chú ý là nợ công sát trần, nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép; nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém rất khó khăn. Đặc biệt, không phải chỉ 12 dự án thua lỗ mà còn nhiều dự án khác; năng lực cạnh tranh doanh nghiệp còn thấp, hiệu quả điều hành chưa cao, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm. “Trong ngắn hạn, nợ xấu là vấn đề rất lớn; trong dài hạn, nợ công là vấn đề rất lớn ở Việt Nam” - Thủ tướng nói.

Trong điều kiện đó, Thủ tướng yêu cầu chú trọng tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn năm 2016, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sức cạnh tranh. “Lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương phải vượt qua được lợi ích cục bộ, tư duy nhiệm kỳ… thì mới thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Vẫn vận hành bộ máy cũ, cách làm cũ thì sẽ không hiệu quả được” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Băng nhóm tội phạm nguy hiểm núp bóng doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho hay lực lượng công an liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự, triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp.

Năm 2016 toàn lực lượng đã triệt phá gần 2.000 băng, ổ nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng, ổ nhóm nguy hiểm, núp bóng các công ty, doanh nghiệp để hoạt động chống phá, ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh, hoạt động bình thường của các doanh nghiệp.

“Sự xâm nhập, can thiệp của tội phạm hình sự, kinh tế thông qua các hoạt động kinh tế để thu nạp các đối tượng tiền án, tiền sự, các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, đâm thuê chém mướn, cưỡng đoạt tài sản, tín dụng đen, xiết nợ, đòi nợ thuê để can thiệp vào các hoạt động đấu thầu, các hoạt động kinh tế… đã đe dọa đến an ninh, an toàn và lợi ích của doanh nghiệp” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm